GrabKitchen và khả năng chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn nhanh của Grab

Linh Nga 09/10/2019 11:00

Với dịch vụ GrabKitchen, Grab đã giải được bài toán khách hàng có thể đặt nhiều món trong một đơn hàng mà chưa công ty chuyên về dịch vụ giao nhận thức ăn nào ở Việt Nam làm được.

Với GrabKitchen, người dùng có thể đặt 4 thức ăn và thức uống chỉ trong 1 đơn hàng.

Với GrabKitchen, người dùng có thể đặt 4 thức ăn và thức uống chỉ trong 1 đơn hàng.

Sau Indonesia, Việt Nam là thị trường thứ 2 được Grab triển khai mô hình GrabKitchen, được thúc đẩy từ sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood và mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dùng.

“Căn bếp trung tâm” thời công nghệ số

Grab gọi dự án là "căn bếp trung tâm". Bên trong mặt bằng do Grab quản lý, 13 quán ăn có không gian riêng để chế biến món ăn, thức uống. Bếp trung tâm của Grab chỉ chế biến và giao món ăn cho tài xế vận chuyển đến khách, không phục vụ trực tiếp tại chỗ.

Đại diện Grab cho biết các quán ăn tham gia mô hình này là những thương hiệu được khách hàng ưa chuộng nhưng không có cơ sở ở gần khu vực. Hiện tại, các nhà hàng đang có mặt tại GrabKitchen như: Cơm Văn Phòng Rio; Bánh Mì Pewpew; Say Coffee; Mộc Vị Quán; Gà Nướng Ò Ó O; Mẹt Tre Bún Đậu Mắm Tôm; Sinh Tố Dừa Sáp; Otoké Chicken; Bún Thịt Nướng Anh Ba… Phía Grab cho biết lợi nhuận sẽ được phân chia cho hãng và quán ăn theo tỷ lệ phù hợp nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

GrabKitchen mang đến cho các nhà hàng, quán ăn giải pháp tăng trưởng mới với chi phí và mức độ rủi ro thấp, đồng thời hỗ trợ những hàng quán quy mô nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), những doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về tài chính, chưa thể mở rộng quy mô kinh doanh. Grab sẽ đầu tư mặt bằng, địa điểm, hỗ trợ những nhà hàng, quán ăn có điều kiện nâng cao chất lượng món.

Trách nhiệm của Grab là dùng công nghệ như big data, AI, cloud…mà họ đang phát triển cho GrabFood để tối ưu công suất hoạt động của đối tác nhà hàng/quán ăn và tài xế, cũng như giúp khách hàng có trải nghiệm dịch vụ cá nhân hóa nhiều nhất có thể, thời gian chờ đợi thức ăn ít hơn và số tiền trả cho dịch vụ rẻ hơn bình thường.

Thứ hai, với dịch vụ mới này, Grab đã giải được bài toán mà chưa công ty chuyên về dịch vụ giao nhận thức ăn nào ở Việt Nam làm được. Món ăn của tất cả các nhà hàng sẽ hiển thị trên một menu duy nhất, giúp khách hàng thoải mái lựa chọn và dễ dàng kết hợp các món mặn và món ngọt trên cùng một đơn hàng.

Ngoài ra, thông qua tối ưu hóa vận hành, GrabKitchen tạo điều kiện cho tài xế hoàn thành đơn nhanh 33% so với bình thường.

Đặt cược sinh mệnh vào dịch vụ giao đồ ăn

Mô hình này đã được Grab được triển khai lần đầu tại Indonesia vào tháng 9/2018 và tới tháng 4/2019, nó được chính thức đưa vào hoạt động, 6 tháng sau, tức vào tháng 10/2019, Grab đã phát triển được 10 GrabKitchen tại những địa phương khác nhau tại Indonesia. Việt Nam là quốc gia thứ 2 được Grab cho ra mắt dịch vụ này.

Tại Việt Nam, Now từng có dịch vụ Now Station nhưng đây giống như hình thức chợ phiên - lâu lâu mới họp một lần, chứ không phải mô hình bếp tập trung như GrabKitchen.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, Grab sẽ chỉ tập trung phát triển mô hình GrabKitchen ở TP HCM, sau Thủ Đức sẽ đến những quận có nhiều yêu cầu về giao nhận thức ăn hoặc thích đặt combo khác. Phải đến năm 2020, họ mới mở rộng thị trường ra Hà Nội và Đà Nẵng, 2 thành phố cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dịch vụ này.

Với mô hình GrabKitchen chứng tỏ nỗ lực của Grab trong việc mang đến nhiều giải pháp, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu mỗi ngày của người dùng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, trong vai trò là siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Trả lời phỏng vấn CNBC vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Kell Jay Lim, Giám đốc khu vực của GrabFood, cho biết công ty tin tưởng dịch vụ giao đồ ăn sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận trong tương lai.  

Grab khởi động dịch vụ giao đồ ăn hồi năm 2016 và mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á vào năm 2018 sau khi mua lại Uber Đông Nam Á, bao gồm UberEats.

Đầu năm 2018, GrabFood chỉ có mặt tại hai thành phố ở Indonesia, nhưng hiện bao phủ 200 thành phố ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam.

Ông Lim cho biết dịch vụ giao đồ ăn chiếm 20% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Grab, tăng mạnh so với tỷ lệ 5% của năm 2018. 

Trong nửa đầu năm 2019, GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400%, ghi nhận số lượng đơn hàng xử lí trung bình hàng ngày lên đến 300.000 đơn hàng.

Đồng thời, theo nghiên cứu độc lập của của Kantar công bố vào tháng 8/2019, 87% người tiêu dùng tại Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn mà họ sử dụng thường xuyên nhất.

Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, thị trường gọi xe trực tuyến và giao thức ăn ở Việt Nam đang có giá trị khoảng 1 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2025.

Ngoài Grab, hai ứng dụng khác đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường giao thức ăn là Go-Viet với dịch vụ Go-Food và Now. Sau thành công đáng kể của bước đi mở rộng thị trường, nhiều người tò mò về chiến lược để “ông lớn” này tiếp tục duy trì và khẳng định vị thế. “Căn bếp trung tâm” thời công nghệ số có lẽ là "vũ khí lợi hại" mà Grab đưa ra để có bước tiến dài sau khi mở rộng thị trường.

Linh Nga