Chỉ định thầu sân bay Long Thành là đúng luật
Tính pháp lý của đề xuất giao các hạng mục thi công giai đoạn 1 Sân bay Long Thành cho 2 doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Việc Chính phủ đề xuất giao 4 hạng mục quan trọng giai đoạn 1 của sân bay Quốc tế Long Thành cho ACV và VATM triển khai có vi phạm Luật Đấu thầu hay không là nội dung "nóng" tới tận ngày cuối phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vào những ngày họp đầu tiên của Phiên họp 38 này, việc giao các hạng mục thi công giai đoạn 1 Sân bay Long Thành cho 2 doanh nghiệp trên đã được một số Đại biểu Quốc hội cho rằng như vậy là chỉ định thầu. Chính vì vậy, tính pháp lý của đề xuất này đã được bàn khá kĩ và nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế: Trong trường hợp thi công Sân bay Long Thành, chủ đầu tư Nhà nước có thể xác định 2 công đoạn: Thứ nhất, trong quá trình chọn thi công phải đúng luật, đúng nhà thầu thi công chất lượng. Đó phải là những nhà thầu có chuyên môn tầm quốc tế, thực hiện các hạng mục sân bay tầm quốc tế, tránh các lình xình hay các bài học đáng tiếc như ở một số công trình lớn của VN. Ở đây sẽ có quan điểm cho rằng vậy nguồn vốn đâu để trả thi công, nếu không phải các nhà thầu cũng là nhà đầu tư? Với 1 dự án kinh doanh có tính độc quyền, tầm ảnh hưởng lớn, có thể sinh lợi tốt như cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà nước hoàn toàn có thể tính đến phát hành trái phiếu công trình và thu hút các tổ chức tài chính độc lập tài trợ. Luật Đấu thầu chỉ quy định trong một số trường hợp như gói thầu nhỏ, nằm trong định mức hoặc liên quan đến bí mật, an ninh quốc gia thì được sử dụng phương thức chỉ định thầu nhưng phải tuân thủ quy định rất nghiêm ngặt. Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và là một dự án thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu. Việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép chỉ định thầu cho dù ACV hay đơn vị nào sau này nếu được chỉ định thầu thì Chính phủ cũng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo tính công khai, minh bạch và năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án. |
Vì sao chọn ACV và VATM?
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể ký, trong 4 hạng mục quan trọng ở giai đoạn 1 của sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện 3 hạng mục.
Cụ thể: Hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao ACV là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê; Hạng mục các công trình thiết yếu của cảng hàng không dự kiến giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; Hạng mục các công trình dịch vụ đề xuất giao nhà đầu tư, khai thác cảng (ACV) hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.
Về năng lực ACV và lý lẽ chọn ACV để giao, báo cáo cho rằng: Có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng trực tiếp đầu tư 3 hạng mục bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được.
Theo đó, về phương án huy động vốn, ACV sẽ cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương 98.014 tỷ đồng.Trong đó, vốn chủ sở hữu ACV đã bố trí được là 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư, đơn vị này phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo đánh giá, với năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.
Riêng với hạng mục 4, là các công trình phục vụ quản lý bay sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Theo nhấn mạnh từ báo cáo, VATM là doanh nghiệp Nhà nước và là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam.
Do vậy, việc đề xuất giao VATM đầu tư các hạng mục liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động bay bằng vốn của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành bay cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp.
Đề xuất không vi phạm Luật
Cách đó không lâu, cũng Bộ GTVT đã đề xuất về việc đưa ACV quay ngược thời cổ phần hóa, trở về 100% vốn DNNN và phần vốn đã bán đề xuất trích tiền NSNN mua lại. Nếu theo đề xuất của Bộ GTVT nêu đầu tiên, ACV sẽ không còn là doanh nghiệp cổ phần nên nguồn vốn cổ phần sẽ không còn. Trong nhóm các DNNN đã, đang và sẽ cổ phần hóa ngành hàng không, ACV được xem là 1 trong những ông Tổng có định giá giá trị nhất.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, “Tổ chức nào làm cũng được, tuy nhiên nếu ACV làm thì sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước".
Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh: “Việc Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác Cảng là áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trường hợp việc lựa chọn nhà đầu tư không áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu mà cần trình Quốc hội xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách đặt biệt thì đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ thêm về lý do, cơ sở pháp lý để UBTVQH, Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định”.
Ông cũng cho biết, để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để đầu tư trực tiếp quản lý khai thác đồng bộ Cảng.
Nếu được giao thi công 3 gói thầu giai đoạn 1 Sân bay Long Thành, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến số vốn ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ đồng tình ủng hộ Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác Cảng. “Cái gì có lợi, không gây phiền hà, đỡ mất thời gian, không tốn kém, thấy có hiệu quả thì quyết định; chỉ sợ cố tình làm chuyện đó vì lợi ích cá nhân, chứ vì nước vì dân thì tôi rất ủng hộ. Dự án có nhiều hạng mục liên quan tới cơ khí, trong khi đó hiện hiện cơ khí Việt Nam làm được nhiều việc do vậy cần tin tưởng, phối hợp các doanh nghiệp của Việt Nam lại để làm. Chính những công trình lớn như thế này là cơ hội công nghệ và cơ khí Việt Nam phát triển”, ông Dũng khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, theo Luật Đấu thầu thì có những yếu tố chỉ định thầu và những yếu tố của ACV đủ điều kiện và Chính phủ chỉ định thầu là đúng luật.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo quy định quy định của Luật Đấu thầu có quy định về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do vậy đề xuất của Chính phủ không ảnh hưởng về luật.