“Trái đắng” BT Ngã ba Huế (Kỳ 1): Nhà đầu tư kêu trời
Nút giao thông Ngã Ba Huế đã được hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán vốn theo hợp đồng BT đã ký.
Việc chậm thanh toán vốn cho dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế dù dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 4 năm đẩy nhà đầu tư là Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam vào tình thế hết sức khó khăn.
Dự án xây dựng nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (thường gọi là cầu vượt ngã ba Huế), TP Đà Nẵng được Bộ Giao thôn Vận tải (GTVT) phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh tại quyết định số 2720/QĐ-BGTVT ngày 17/7/2014 theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT, giá trị hợp đồng của dự án là 2.050 tỷ đồng. Bố trí vốn hoàn trả cho nhà đầu tư từ kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ GTVT, bắt đầu tư năm 2017 đến năm 2020.
Có tiền nhưng không thanh toán?
Dự án do liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam (Công ty Trung Nam) triển khai đầu tư dự án từ năm 2013 và chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2015.
Theo thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp có được, Công ty Trung Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng,.. về kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế - TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Tâm Tiến – Giám đốc Công ty Trung Nam cho biết: tại khoản 4 điều 3 Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018, Quốc hội đã phê duyệt bổ sung dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 -2010 và sẽ được bố trí thanh toàn trước số tiền hơn 553 tỷ đồng (trong đó, 521 tỷ đồng là nguồn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020 của Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch).
Cùng với đó, tại Quyết định số 23/QĐ-BKHĐT ngày 9/1/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí 32,954 tỷ đồng để thanh toán cho dự án từ viêc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2016-2020 đợt 5.
Tuy nhiên, theo ông Tiến thì dù Nhà đầu tư đã có nhiều văn bản làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc bố trí vốn thanh toán cho dự án nhưng đến nay có đơn vị liên quan vẫn đang loằng ngoằng trong việc thực hiện thủ tục thanh toán.
Cũng theo đại diện Công ty Trung Nam thì ngoài những khoản trên, đối với số tiền còn lại của dự án, hiện nay theo điểm a, khoản 9 điều 1 Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các Bộ, ngành, địa phương và các dự án trong đó có dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế - TP Đà Nẵng nhưng vẫn chưa được chính thức phê duyệt bố trí vốn thanh toán.
Đẩy nhà đầu tư vào thế khó
Theo đại diện Công ty Trung Nam thì tính đến thời điểm hiện tại, công trình đã được nhà đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng được 04 năm, bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước được 02 năm, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn tất thủ tục kiểm toàn từ tháng 1/2018 nhưng Nhà đầu tư vẫn chưa nhận được thông tin về việc bố trí vốn thanh toán dự án dẫn đến chưa thể giải quyết các tồn đọng, vướng mắc về thanh toán công nợ nhà thầu, quyết toán dự án, ký phụ lục hợp đồng BT,… gây gánh nặng về tài chính cho Nhà đầu tư và Nhà thầu thực hiện dự án cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng ngàn người lao động.
“Trong khi đó, xét về mặt xã hội, công trình được hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian qua đã tạo bộ mặt khang trang tại cửa ngõ Tây Bắc TP Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế, hạ tầng phục vụ dân sinh, đem về lợi ích nhiều mặt cho xã hội nhưng việc thanh toán vốn không đúng theo hợp đồng BT đã ký dẫn đến gây dư luận không tốt không một số bộ phận doanh nghiêp và nhân dân ở đây, nguy cơ đẩy Nhà đầu tư vào tình thế hết sức khó khăn,…”, ông Tiến nói.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đỗ Pháp – trưởng VP Luật sư Đỗ Pháp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn vốn dành cho các dự án giao thông đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu ngành giao thông phải xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn trong ngoài nước để đầu tư cho giao thông nhưng từ trường hợp của Công ty Trung Nam, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi chỉ cần một thay đổi chính sách và thiếu nhất quán trong các cam kết, thì tương lai của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng rất lớn.
“Nhìn từ trường hợp của nhà đầu tư dự án Ngã ba Huế, có thể thấy rõ điều này. Mặc dù Chính phủ đã đồng ý thanh toán cho dự án từ kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ GTVT bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2020 nhưng Bộ GTVT lại chưa đưa vào kế hoạch thanh toán, không có tiền trả nên nhà đầu tư gặp khó khăn ngay lập tức. Do đó, Chính phủ cần phải có biện pháp quyết liệt, nhanh chóng, tận dụng mọi nguồn lực, đặc biệt là những nguồn vốn dự phòng để thanh toán cho doanh nghiệp, tránh tình trạng nói nhưng không làm, trên bảo dưới không nghe, trên rải thảm, dưới rải đinh,… xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra rất nhiều hệ lụy, do chủ đầu tư vì không được thanh toán nên nợ rất nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện dự án, nợ lương hàng ngàn người lao động”, Luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.
Kỳ 2: Đà Nẵng nói gì?