Nâng cao năng suất ngành thủy sản trước rào cản áp ‘thẻ vàng’

Thúy Ngân 16/11/2019 02:10

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, lại có sự không đồng đều về chất lượng cùng với rào cản kỹ thuật… khiến ngành gặp khó.

p/Ngành Thủy sản nỗ lực gỡ thẻ vàng. Ảnh DDK

Ngành Thủy sản nỗ lực gỡ thẻ vàng. Ảnh DDK

Ngành thủy sản hiện đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp đến 3,43% GDP toàn quốc và 23,75% GDP của ngành nông nghiệp.

Thủy sản và nỗ lực gỡ ‘thẻ vàng’

Việc tham gia các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực nhưng cũng có cả thách thức đối với thủy sản Việt. Đặc biệt, các thị trường chính tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm như: Hoa Kỳ, EU, Ả rập Xê út, Hàn Quốc…

Theo TS. Phạm Văn Chắt, báo cáo viên Bộ Công Thương cho biết, các sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu ngoài EU. Cơ quan này được EC công nhận. Đây là điều kiện tiên quyết đối với các nước xuất khẩu để đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang EU.

Trả lời trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững. Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương phải quyết liệt, doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.

Đột phá chất lượng cho ngành thủy sản

Hiểu được tầm quan trọng của chất lượng các mặt hàng thủy sản, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên cả nước đã nỗ lực áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo ra mặt hàng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ở những thị trường khó tính.

Theo ông Võ Minh Khôi, PGĐ Kỹ thuật CTCP cá tra Việt Úc, thuộc Tập đoàn Việt Úc, tất cả các khâu nghiên cứu, chăm sóc cá tra đều được thực hiện thông qua công nghệ di truyền phân tử, công nghệ di truyền số lượng, công nghệ bắn chíp điện tử vào cá cho đến hệ thống xử lý nước đầu vào, đầu ra.

“Thông qua công nghệ đánh dấu bằng con chíp, thông qua công nghệ di truyền phân tử, di truyền số lượng, chọn lọc ra được những con cá tốt nhất để làm bố mẹ cho những thế hệ tiếp theo. Qua nhiều thế hệ như vậy thì những con ưu tú nó sẽ càng ưu tú hơn thì giá trị mang lại nó sẽ ngày càng cao hơn nữa”, ông Khôi nói.

Hay đối với mặt hàng tôm Việt Nam, việc khó khăn nhất chính là chưa chủ động nguồn tôm giống, thức ăn; chưa tạo được sự liên kết các khâu, đầu tự cơ sở hạ tầng… Vì thế, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nghị Nghề cá Việt Nam nhận định, nghề nuôi tôm cần phải áp dụng công nghệ mới như: công nghệ Iquatic, Eco-ras, xem đây là mô hình tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Công nghệ này giúp người nuôi kiểm soát nước trong ao, oxy, môi trường, giảm thiểu điện năng mỗi tháng, tôm nuôi đạt chất lượng cao, giảm giá thành, truy xuất được nguồn gốc và cuối cùng tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Thúy Ngân