Điện mặt trời “chết” vì mặt bằng

Kiều Phiên 18/11/2019 11:00

Sau gần 3 năm triển khai, dự án xây dựng nhà máy điện Mặt trời Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vẫn chỉ là bãi đất trống và có nguy cơ "thất thủ" vì trì trệ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Nhà máy điện Mặt trời được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tại số 324/QĐ-UBND ngày 25/1/2017 để xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ. Đến ngày 16/11/20l7, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện tại Quyết định số 4322/QĐ-BCT. Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.681,0 tỷ đồng.

Trì trệ trong đền bù giải phóng mặt bằng

Được biết, dự án xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa và Bộ Công Thương. Với mục tiêu cung cấp điện năng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của tỉnh và cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khoảng thời gian chuẩn bị, dự án đã gấp rút triển khai từ quý I/2017 và dự kiến đưa vào hoạt động vào quý IV/2019. Thế nhưng đến nay đã vào những tháng cuối cùng của quý IV/2019 nhưng dự án Nhà máy năng lượng Mặt trời vẫn còn chưa xong công đoạn giải phóng mặt bằng sạch.

Theo ông Lương Chí Kiên, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, huyện Nọc Lặc, dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời mà liên danh Công ty Hoàng Sơn và đối tác Nhật Bản triển khai là dự án lớn của tỉnh Thanh Hóa và của huyện Ngọc Lặc. Trước khi triển khai giải phóng mặt bằng, UBND xã đã tuyên truyền phổ biến, vận động người dân tạo điều kiện, di rời phần đất canh tác, nhà cửa để triển khai dự án. Sau khi hiểu, người dân rất mong muốn dự án sớm đi vào hoạt động.

Anh Lê Văn Tùng, người dân xã Kiên Thọ cũng cho biết: "từ khi người dân được thông báo công bố chủ trương dự án, sau đó được thông báo phải di rời nhà cửa, ngừng sản xuất để bàn giao đất cho dự án Nhà máy điện năng lượng Mặt trời. Chúng tôi hết sức đồng thuận, vì vậy sau khi chính quyền kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất, lên phương án đền bù nhưng kể từ 2017 đến nay người dân xã Kiên Thọ vẫn chưa nhận được tiền đề bù và sớm có phương án di dời để chúng tôi ổn định cuộc sống".

Người dân nơi đây tỏ ra rất lo lắng và bất an cho dự án cả nghìn tỷ này liệu khi nào mới thực hiện khi đã kéo dài gần 3 năm qua.

Trao đổi với PV DĐDN, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết: theo chủ trương của tỉnh, UBND huyện đã lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tại Quyết định số 653/QĐ-UBND huyện Ngọc Lặc ngày 15/3/2018. Tuy vậy, dự án triển khai chậm, huyện cũng lên phương án đền bù nhưng hiện nay còn nhiều hộ chưa đồng tình với phương án đền bù của nhà nước, nên dự án gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ đầu tư như ngồi trên “đống lửa”

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn cho hay: sau khi các Bộ, ngành cùng UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư số 324/Ql)-UBND ngày 25/1/2017 để xây dựng Nhà máy Điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ. Đến ngày 16/11/2017, Công ty đã được Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện theo Quyết định số 4322/QĐ-BCT. Sau đó, Công ty cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp thuận mua điện, đồng thời cũng đã thỏa thuận điểm đấu nối với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Ngoài ra, Công ty Hoàng Sơn cũng đã ký hợp đồng và đặt cọc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Bắc Việt để đặt mua 2 trạm biến áp 63MVA và khảo sát tuyến đường dây từ Nhà máy điện đến trạm 110KV của huyện Ngọc Lặc.

Cũng theo ông Hoàng, Công ty Hoàng Sơn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh nhà thầu Nhật Bản. Đồng thời cũng đã ký hợp đồng và đặt cọc để mua tấm panel và toàn bộ thiết bị kỹ thuật của Nhà máy điện. Vì công tác giải phóng mặt bằng suốt 3 năm qua vẫn "án binh bất động" nên doanh nghiệp đành phải hủy một số tiến trình công việc với các đối tác Nhật.

“Chúng tôi rất mong các Bộ, ngành cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm có ý kiến chỉ cụ thể, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm kê giải phóng mặt bằng và giá thu mua điện với các dự án điện năng lượng mặt trời để dự án được triển khai đúng tiến độ và sớm đi vào hoạt động”, ông Hoàng kiến nghị.

Như vậy, tiến độ khởi công nhà máy vào quý I/2017 và hoàn thành sử dụng vào năm 2019 là không thể thực hiện. Bởi, dự án đang gặp khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, không những việc kiểm kê nguồn gốc, xác định ranh giới đất đai gặp khó khăn, nhiều hộ dân hiện cũng chưa đồng ý được bồi thường theo mức giá do Nhà nước quy định.

Cộng thêm một trong những nguyên nhân khiến tình hình thi công dự án này chậm trễ là Bộ Công Thương đang thực hiện nghiên cứu, công bố giá thu mua điện mới đối với các dự án điện năng lượng mặt trời. Việc chưa có mức giá cụ thể, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng khiến đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề kêu gọi nhà đầu tư cùng hợp tác góp vốn, chuyển giao công nghệ. n

Kiều Phiên