Nhà đầu tư cá nhân có nên mua trái phiếu doanh nghiệp?
Nhà đầu tư cá nhân cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu và đặc biệt không nên mua chỉ vì lãi suất cao.
Theo cơ quan quản lý, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đặt ra yêu cầu đối với các chủ thể tham gia vào thị trường này.
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp phát hành cần tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật khi huy động vốn trái phiếu, công bố công khai thông tin về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.
Thứ hai, đối với nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải khi mua trái phiếu.
Thứ ba, đối với tổ chức cung cấp dịch vụ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, tư vấn cho doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi phát hành trái phiếu.
Bộ Tài chính cho biết, với đặc thù TPDN là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh, nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Khi quyết định đầu tư TPDN, nhà đầu tư có thể gặp phải các rủi ro sau: Doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; Doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; Doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
“Do đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư TPDN, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trường hợp mua TPDN, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; Có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; Cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu; Kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; Tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.
Được biết, từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, 9 tháng đầu năm 2019 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Một số lĩnh vực phát hành trái phiếu thành công cao, huy động được lượng vốn lớn như ngân hàng, bất động sản. Lãi suất trái phiếu được đẩy lên cao, có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 14%/năm.
Lý giải về sự sôi động của thị trường này, SSI Retail Research cho biết, Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN. Các chính sách từ Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay bất động sản… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, việc thông tin phát hành trái phiếu minh bạch hơn và sự tham gia tích cực của các trung gian phân phối là các ngân hàng, công ty chứng khoán đã khiến TPDN trở lên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Sự gia tăng từ cả phía cung và phía cầu đã khiến thị trường TPDN Việt Nam trở lên sôi động.