Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1

Thy Hằng 26/11/2019 15:09

Chiều 26/11, 435 Đại biểu, chiếm 90,06% tổng số Đại biểu Quốc hội đã bấm nút tán thành thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá 4,8 tỷ USD.

Chiều 26/11, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, có 435 đại biểu tán thành thông qua dự thảo nghị quyết (chiếm 90,06% đại biểu). Số người không tán thành là 10 (chiếm 2,07% đại biểu).

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD)

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ USD.

Báo cáo làm rõ những vấn đề trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định thẩm quyền quyết định đầu tư là của Thủ tướng.

Với dự án lớn, được Chính phủ trình Quốc hội quyết định từng giai đoạn là phù hợp. Quyết định của Thủ tướng sẽ dựa trên báo cáo của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Quốc hội sẽ giám sát trong quá trình Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định về dự án, để làm rõ hơn nữa tổng mức đầu tư, hiệu quả tài chính của dự án, sử dụng công nghệ, quản lý vận hành, các cơ chế chính sách đặc thù cho dự án. "Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung trình Thủ tướng trước khi quyết định", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết dự án sân bay Long Thành là dự án đặc thù, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm bảo quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội sẽ giao Thủ tướng xem xét lựa chọn nhà đầu tư vừa có năng lực tài chính, vừa có kinh nghiệm quản lý vận hành.

"Đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong triển khai công việc, để bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2020", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Quốc hội không có thẩm quyền chọn nhà thầu hay lo phần vốn không thuộc ngân sách.

Quốc hội thông qua về mặt chủ trương cho phép làm, Quốc hội cho phép giao Chính phủ. Chính phủ có bộ máy và phương tiện để lựa chọn nhà đầu tư tốt để tiến hành thông qua kinh nghiệm từ các dự án trước.

Chia sẻ về việc Chính phủ chỉ định thầu với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện nhiều hạng mục của giai đoạn 1, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề năng lực và thời gian. “ACV là đơn vị đầu ngành về lĩnh vực hàng không. Cùng với đó, đơn vị này cũng có khả năng kêu gọi vốn bởi câu chuyện gọi vốn vào những công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh như CHK quốc tế Long Thành là khả quan”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đồng thời lưu ý, Chính phủ cũng phải có phương án dự phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành đã được tính toán hợp lý

    00:00, 22/11/2019

  • Tiền đâu ACV làm Long Thành?

    05:00, 16/11/2019

  • Sân bay Long Thành có suất đầu tư tương đương thế giới

    11:00, 15/11/2019

  • Suất đầu tư sân bay Long Thành tương đương thế giới, ACV nói gì?

    00:00, 15/11/2019

  • Triển khai dự án sân bay Long Thành: Vừa mừng vừa lo!

    12:03, 12/11/2019

  • Dự án sân bay Long Thành: Khả năng huy động hàng tỷ USD thế nào?

    10:46, 12/11/2019

  • Đại biểu đoàn Đồng Nai nói gì về việc chậm tiến độ dự án sân bay Long Thành?

    10:24, 12/11/2019

Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp vừa được thông qua còn cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp là lợi thế.

“Mặc dù Chính phủ không bảo lãnh nhưng cho phép phát hành trái phiếu, với doanh nghiệp tầm cỡ như ACV thì việc bán trái phiếu thu hút vốn rất nhanh. Do đó, có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn”, Đại biểu phân tích và cho rằng không nên phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài mà nên để doanh nghiệp tự khẳng định mình.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

Sân bay Long Thành được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040 bao gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 111.922 tỷ đồng (4,7 tỷ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Thy Hằng