Dư địa thu hút FDI của Hà Nội còn rất lớn
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong tháng 11, thành phố có 60 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD.
Trong số này có 52 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 8 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 8 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư bổ sung đạt 6,7 triệu USD.
Cũng trong tháng 11/2019, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 72,9 triệu USD.
Đáng chú ý, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc vừa qua, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư trị giá hơn 400 triệu USD, ký các biên bản ghi nhớ đầu tư vào Hà Nội trị giá hơn 4 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 25/11/2019, tổng vốn đăng ký của các dự án thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 2.142 triệu USD, trong đó đăng ký mới 788 dự án với số vốn đạt 1.562 triệu USD; 160 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 580 triệu USD.
Trong 11 tháng năm 2019 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 5.330 triệu USD.
Về thu hút đầu tư trong nước, 11 tháng đầu năm, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 37 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tổng vốn 23,14 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 67 dự án trong đó 53 dự án điều chỉnh vốn tăng vốn thêm 21,23 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10/2019, Hà Nội có 91 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 468 triệu USD, trong đó có 72 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 19 dự án liên doanh, liên kết. Trong số này, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 5.330 triệu USD. Số dự án chấm dứt, tạm ngừng, giải thể hoạt động là 27 dự án, trong đó 24 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và liên doanh, liên kết là 3 dự án.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư khẳng định tiềm năng thu hút FDI của Hà Nội trong những năm tới vẫn còn rất lớn.
Ông cho biết, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do có tính chất toàn cầu và khu vực. Với việc nhiều dòng thuế suất được giảm về 0%, đây là lợi thế lớn để nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Mặc dù vậy, việc thu hút FDI vẫn chưa xứng với tiềm năng và mong muốn của TP Hà Nội. Hiện những dự án lớn trong lĩnh vực như R&D, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata, thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây… chưa nhiều.
Nghị quyết mới nhất số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, đã xác định đến năm 2025 kinh tế số phải có 20%, đến năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Nói về tiềm năng thu hút FDI nhất là vào công nghệ tương lai, thực sự hiện đại, thì không có địa phương nào có ưu thế như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. "Vấn đề lớn nhất của Hà Nội là làm thế nào thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng hiện đại. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đầu tiên phải thay đổi cách tiếp cận thu hút đầu tư nước ngoài, thay đổi tư duy về FDI trên cơ sở đó thay đổi thể chế, thay đổi hành động" - ông Mại nói. Ngoài ra, những vấn đề như nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông… Hà Nội cần phải xử lý mạnh, triệt để hơn.
Các dự án lớn từ đầu năm đến nay đã đầu tư vào Hà Nội như: Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội. Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD. Hà Nội cùng với nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng đã trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư vào nhiều dự án trên địa bàn TP với tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới 3,75 tỷ USD |