Đề xuất đưa 3.400MW điện gió Kê Gà vào Quy hoạch Điện quốc gia

Linh Nga 07/12/2019 15:51

Mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là sớm được cơ quan chức năng thẩm định, bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện lực Quốc gia, để đẩy nhanh tiến độ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn thủy điện không còn khả năng phát triển; nhiệt điện than, khí không được khuyến khích đầu tư, các dự án điện hạt nhân đã tạm dừng, thì việc sớm bổ sung các dự án điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có tiềm năng khai thác vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia là vô cùng cần thiết.

Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, tiềm năng gió cực lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360MW, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, khá chậm so với mức 800MW vào năm 2020 được đưa ra trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh).

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi nhận định, sau điện mặt trời, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi đang rất được quan tâm.

Ông Ngãi cũng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ThangLong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận với công suất 3.400MW, tổng số vốn lên đến 11,9 tỷ USD. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành lập quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định.

Theo các tính toán của chuyên gia, nếu dự án có thể đảm bảo mốc tiến độ theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá ưu đãi 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió xa bờ (đối với dự án hoàn thành trước thời điểm tháng 11/2021) thì khả năng sẽ có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là sớm được cơ quan chức năng thẩm định, bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện lực Quốc gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hiện Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị của địa phương và chủ đầu tư về dự án ThangLong Wind. Bộ đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, trong đó có cả tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... sau khi tổng hợp các ý kiến sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ trong thời gian tới.

Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nếu sớm được triển khai, năm 2023 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 600MW, điện lượng có thể sản xuất lên tới 4 tỷ kWh/năm. Khi hoàn thành dự kiến vào năm 2027, toàn bộ dự án với tổng công suất 3.400 MW có thể đóng góp lên tới 20 tỷ kWh điện mỗi năm.

Dù đồng tình với việc cần sớm đưa dự án này vào Quy hoạch vì tính hiệu quả kinh tế, song nhiều chuyên gia cũng lưu ý, với số vốn vay khoảng hơn 8 tỉ USD, đây sẽ là con số không dễ để các nhà đầu tư thu xếp trong bối cảnh đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch HĐKH Hiệp hội năng lượng Việt Nam khuyến cáo, nhà đầu tư cần tính tới việc chi phí đầu tư sẽ bị tăng lên do nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình triển khai thi công. Đặc biệt là việc thu xếp nguồn vốn vay chủ yếu từ nguồn của ngân hàng nước ngoài.

Linh Nga