Cần “rộng đường” cho y tế tư nhân lớn mạnh
Hệ thống y tế tư nhân tại Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn và như các doanh nghiệp chia sẻ là cần được đối xử công bằng.
Là một trong những người đi đầu trong đầu tư y tế tư nhân, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, hệ thống y tế công cộng bị quá tải, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu, bởi vậy, phát triển khu vực tư nhân là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu giúp bổ sung cơ sở khám chữa bệnh, để người dân có nhiều lựa chọn hơn cho việc chăm sóc sức khỏe.
Thu hút đầu tư
Hiện nay, với sự phát triển ngày càng cao về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tiêu chí được đặt ra cho lĩnh vực y tế tư nhân ngày càng khắt khe, trong đó, các dịch vụ về y tế tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Vì vậy, việc mở rộng cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao sẽ góp phần đáp ứng đa dạng các yêu cầu, thúc đẩy tính cạnh tranh trong các dịch vụ, tạo điều kiện cho khách hàng, bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, thay vì phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn cả nước có hơn 170 bệnh viện tư nhân. Trong số đó có nhiều bệnh viện có quy mô lớn từ 400 đến 500 giường bệnh như: Bệnh viện Vinmec, IGTO, Hoàn Mỹ, Hợp Lực, Triều An… với tổng số 45.000 giường nội trú, tổng mức đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, hầu hết các bệnh viện tư đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị ngày càng cao của nhân dân.
Một số bệnh viện đã thực hiện được nhiều ca kỹ thuật cao như: can thiệp tim mạch, mổ não, cột sống, lồng ngực, nuôi cấy tế bào gốc… cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển lên tuyến T.Ư, giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn ở, điều trị, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến T.Ư. Cùng với đó, luôn chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách hiệu quả, sát thực tế, giúp hội viên áp dụng vào quản trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Tại Đại hội Hiệp hội bệnh viện tư nhân lần thứ 2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, sau nhiều năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Đảng, Nhà nước, nhiều doanh nhân có tâm huyết đã tin tưởng, tích cực, chủ động bỏ vốn hàng trăm ngàn tỉ đồng để đầu tư xây dựng bệnh viện, chia sẻ trách nhiệm với hệ thống bệnh viện công nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Vì vậy, đến nay khối bệnh viện tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trải qua 5 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội có 137 hội viên của các cơ sở y tế tư nhân, 102 bệnh viện, 30 phòng khám và 5 hội viên danh dự; có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của cộng đồng y tế tư nhân nói riêng, ngành y tế cả nước nói chung.
Còn nhiều thách thức
Theo ông Tống Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT bệnh viện đa khoa Tâm Đức chia sẻ, vẫn chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế nhà nước. Cụ thể, chính sách đào tạo của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, khi có các lớp tập huấn về nâng cao chuyên môn, kỹ thuật cho các y bác sỹ ở bệnh viện, khối công lập vẫn được ưu tiên hơn.
“Chúng tôi sẵn sàng bỏ chi phí đi lại, học tập để được giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, chuyên môn kỹ thuật, được tiếp cận những kiến thức mới từ các buổi tập huấn, nhưng đa số là “không còn suất” cho khối tư nhân", ông Hùng nhấn mạnh.
Từ đây, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự ứng xử công bằng vì mục tiêu chung là khám chữa bệnh cho nhân dân, càng y tế tư nhân càng cần phải được trau dồi và mang đến dịch vụ y tế tốt hơn, tạo niềm tin trong nhân dân khi đến thăm khám.
Ngoài ra, từ một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy chi phí chi trả cho các dịch vụ chăm sóc là rào cản chính, phổ biến trong cả hệ thống tư nhân và công lập. Trong đó, phí người dùng tự chi trả từ tiền túi cao nhất là đối với các cơ sở y tế tư nhân phi lợi nhuận, thấp nhất đối với các cơ sở y tế công lập, tự chủ tài chính.
Các dịch vụ y tế của khu vực tư nhân có xu hướng phục vụ nhiều hơn cho các nhóm có thu nhập cao hơn và ít nhu cầu chăm sóc y tế hơn dẫn đến mất cân đối về độ bao phủ của y tế tư nhân. Trong khi việc thu hút đầu tư vào ngành y tế cần các yếu tố như tối ưu hóa đầu tư, tối đa hóa hiệu quả và phân bố rủi ro hợp lý.
Chính vì vậy, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần được tạo cơ chế thông thoáng để nhận hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ về cơ sở vật chất, công nghệ, dịch vụ kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày một chất lượng hơn.
Cùng quan điểm đó, Thầy thuốc Nhân dân, GS. Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng làm sao để hỗ trợ cộng đồng y tế tư nhân phát huy tối đa hiệu quả? Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho Hiệp hội y tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
“Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi nhiều người, không có một bệnh viện nào, cơ sở y tế nào mà tốt toàn diện, làm sao để các bệnh viện có sự hợp tác liên kết với nhau, bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Hiệp hội cần tổ chức các hội thảo chuyên đề như về quản lý, về luật và tham quan giám sát để các hội viên có cơ hội nâng cao học hỏi, hoàn thiện về mọi mặt. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng là một tiến trình chứ không phải đích đến, cần liên tục hoàn thiện mình tốt hơn mới là mục tiêu mà các bệnh viện hướng đến", GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ
Trả lời ngay tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Đệ cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ của hội về chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ tối đa tới các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân trên toàn quốc.