Chưa hết năm, Bộ Công thương khẳng định xuất nhập khẩu sẽ vượt 500 tỷ USD
Bộ Công thương khẳng định, với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. "Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019" - Bộ Công thương nhấn mạnh trong thông cáo báo chí vừa phát ra.
Đây chắc chắn sẽ là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm. Các số liệu cũng cho thấy, với tổng kim ngạch đạt được theo dự báo, 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức khá cao, hơn 9,1 tỷ USD.
Đánh giá từ Bộ Công thương cho thấy, kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cùng với sự thống trị của doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều lực đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế trong các tháng qua, tất cả nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Đơn cử như xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; sang Nga tăng 9,1%; sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...
Với các ngành hàng, lợi thế từ tận dụng các FTA để xuất khẩu cũng thể hiện khá rõ. Theo lãnh đạo Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành Da giày Việt Nam. Cụ thể ngành Da giày đã thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP tốt hơn. Xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại thị trường truyền thống như châu Âu; Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng, việc tận dụng, khai thác cam kết mở cửa thị trường từ các FTA cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là khá tốt. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Về sự lấn át của các doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đây là những con số thể hiện sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào doanh nghiệp FDI. Về lâu dài, đây sẽ là vấn đề rất lớn và cần có giải pháp sớm hạn chế sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Theo ông Ngân, giải pháp duy nhất là quan tâm và có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Để giải quyết vấn đề, Việt Nam phải xây dựng được những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có quy mô lớn, trở thành đối tác với doanh nghiệp FDI. Từ đó, xây dựng được chuỗi cung ứng, cụm liên kết, có sự chuyển giao. Để làm được, cần có những đòn bẩy mới trong cải cách môi trường kinh doanh đi kèm với việc Chính phủ thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Dù con số năm nay đạt kết quả khả quan song rõ ràng hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.
Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,7 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,8 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,4 tỷ USD), giày dép các loại (16,4 tỷ USD). |