Hiệp định ATIGA: Bất công với mía đường vì “chiêu trò” thương mại  

Nguyễn Việt 14/12/2019 16:05

Từ 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực, tất cả hạn ngạch và thuế xuất nhập khẩu đường sẽ bị bãi bỏ, tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

Theo phân tích của Tổ chức mía đường Quốc tế (ISO), đặc điểm nổi bật nhất trong ngành mía đường thế giới là giá đường thế giới rẻ một cách bất thường do sự thao túng, trợ cấp, thậm chí phá giá đường để hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu đường.

Khi ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nguồn đường từ các quốc gia sẽ được mua bán tự do trên thị trường, mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác.

Khi ATIGA chính thức có hiệu lực, nguồn đường từ các quốc gia sẽ được mua bán tự do trên thị trường, mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác.

Do đó, các quốc gia sản xuất đường luôn tìm cách kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giá đường ổn định, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong sự cân đối với lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và đặc biệt ngăn chặn sự “xâm lăng” của đường nhập khẩu giá rẻ. Ngành mía đường của ASEAN cũng không phải là một ngoại lệ. Ngay cả việc thực hiện cam kết tự do hóa theo Hiệp định ATIGA cũng không làm chính sách của các nước sản xuất, xuất khẩu đường của ASEAN vì thế mà thay đổi.

Các nước vẫn áp dụng thương mại “trá hình”

Dù luôn tự cho mình đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2015, nhưng chưa khi nào Thái Lan, Philippines và Indonesia từ bỏ việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại “trá hình” để bảo vệ ngành mía đường của mình.

Chính phủ của các nước này vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu Thái Lan được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa. Với ngành mía đường thế giới, việc Thái Lan sử dụng một phần lợi nhuận bán đường giá cao trong nước là nguồn trợ cấp để xuất khẩu đường được xem là thực tế hiển nhiên và là nguy cơ thường trực với bất cứ quốc gia nào.

Tuy các quy định của các nước ASEAN có ít nhiều khác nhau, nhưng nhìn chung cả Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có chung một tiêu chí là “khoá đầu ra” của đường nhập khẩu, triệt tiêu nhu cầu tiêu thụ đường nhập khẩu trong nước.

Để thực thi ATIGA, trên danh nghĩa, các nước này vẫn cho phép cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được nhập khẩu đường nhưng sẽ phải nằm chờ tại kho dự trữ mà không được “tự do” bán vào thị trường nội địa nếu như chưa được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền.

Cả Thái Lan, Indonesia và Philippines đều thiết lập cơ chế quản lý, phân loại đường và chỉ chấp thuận chuyển đường nhập khẩu từ kho dự trữ để được tiêu thụ trong nước trên nguyên tắc khi nhu cầu tiêu thụ đường trong nước bị thiếu hụt và đặc biệt chỉ trong giai đoạn trái vụ thu hoạch và sản xuất mía nhằm đảm bảo ưu tiên tiêu thụ đường nội địa trước. Đây có thể được xem là hình thức bảo hộ “trá hình” nhằm thay thế hạn ngạch nhập khẩu bằng hạn ngạch nội địa với hiệu quả bảo hộ hoàn toàn tương tự.

Hành vi bảo hộ “trá hình” này đã diễn ra công khai, thậm chí được chính các nước trên luật hóa từ nhiều năm trước khi họ hoàn tất cam kết từ 2015 theo ATIGA. Nhưng vì lý do nào đó chưa bao giờ được các bên ASEAN đặt vấn đề phản đối, ngay cả khi Brazil đã đưa vấn đề này lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO từ năm 2015. Trong khi đó, cũng các quốc gia ASEAN nay lại kiên quyết yêu cầu Việt Nam loại bỏ hạn ngạch thuế quan và áp dụng mức thuế suất từ 0 – 5% đối với mặt hàng đường theo cam kết ATIGA.

Cần có câu trả lời thỏa đáng

Điểm khác biệt là nếu từ bỏ biện pháp quản lý và bảo hộ đường như hiện tại, Việt Nam không hề có giải pháp thay thế một cách tích cực. Việt Nam phải chấp nhận “tiêu chuẩn kép” khi tự mình loại bỏ mọi hàng rào bảo hộ trong khi các nước ASEAN khác được tự do áp dụng đủ hình thức bảo hộ, kể cả hành vi trợ cấp, hạn chế nhập khẩu bị cấm tuyệt đối theo quy định của ATIGA hay WTO.  

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam - ông Phạm Quốc Doanh nhiều lần lên tiếng, đường Việt Nam không thể cạnh tranh với đường Thái Lan ở mức giá 8.000-9.000 đồng/kg và nguy cơ các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm, hoặc trở thành các doanh nghiệp làm thuê cho nước ngoài là rất lớn.

Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La từng bày tỏ, giá đường Việt Nam đang cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường của Thái Lan đã được trợ cấp, trợ giá, bảo hộ từ nhiều thập kỷ nay. Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ, thì Chính phủ Thái Lan trợ giá tối thiểu 1,5 tỷ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường.

Đành rằng, bất cứ quốc gia nào cũng có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia một cách chính đáng, nhất là với ngành mía đường gắn với sinh kế của hàng triệu người nông dân. Vấn đề đặt ra là nếu như việc bảo hộ của Thái Lan, Indonesia, Philippines là phù hợp với ngoại lệ theo Điều XX của GATT/WTO, Điều 8 (Ngoại lệ chung) hay Điều 9 (Ngoại lệ vì lý do an ninh) thì cũng đồng nghĩa Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp tương tự, kể cả việc áp dụng hạn chế phân phối đường nhập khẩu trên thị trường nội địa.

Trường hợp các biện pháp này được áp dụng trái với quy định, thì việc Việt Nam thực thi cam kết một cách “nghiêm túc” chẳng khác nào làm phương hại lợi ích chính đáng của chính mình. Điều này đi ngược lại với phương châm hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh bình đẳng mà Đảng và nhà nước đã và đang nhất quán theo đuổi. Việt Nam sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng thực thi đầy đủ cam kết quốc tế, nhưng rõ ràng tình huống đối với ngành mía đường là vấn đề hoàn toàn khác.

Phải chăng đã có sự không hiểu đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực thi ATIGA? Có lẽ, các cơ quan đàm phán của Chính phủ cần chủ động đặt lại vấn đề này với các đối tác của mình để có tìm kiếm một giải pháp khách quan, công bằng hơn. Đó cũng chính là cách giải quyết của một đối tác đáng tin cậy thay vì “lẳng lặng” thực thi một cam kết đã không còn được các bên tôn trọng.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, cho đến nay các cơ quan chủ trì hội nhập kinh tế quốc tế như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính... đều chưa có câu trả lời thỏa đáng trong khi thời hạn thực thi cam kết ATIGA đã đến rất gần. Phải chăng chúng ta đã không chuẩn bị cho kịch bản này?

Hàng triệu người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp chế biến mía và người tiêu dùng có quyền đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần thực sự có hành động thiết thực, trách nhiệm vì lợi ích của quốc gia trước khi những tác động to lớn của hội nhập sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều lao động và sự sống còn của doanh nghiệp mía đường Việt Nam.     

Nguyễn Việt