Sự “trỗi dậy” của ngành bán lẻ trong năm 2019
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2019 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí đã tạo ra một số “đột biến”.
Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của kênh bán hàng hiện đại bao gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với tốc độ 21,5% so với năm 2018. Năm 2019 cũng chứng kiến sự sa sút và tăng trưởng chậm lại của kênh bán lẻ truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, 2019 là năm trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt trong hợp tác để dành lại ưu thế kênh phân phối ngay tại sân nhà. Năm nay còn chứng kiến sự cạnh tranh tiếp tục giữa các kênh bán lẻ hiện đại và kênh truyền thống, giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online.
Bán hàng hiện đại tăng 21,5%
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng năm 2019 đạt mức 4481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Còn nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng 9,3%. Riêng lĩnh vực bán lẻ đạt 3400,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,9% trong tổng mức chung hàng hóa và dịch vụ. Bán lẻ đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam: Sự cạnh tranh mới bắt đầu
06:30, 24/07/2019
Thương hiệu bán lẻ Việt Nam vì sao vẫn mờ nhạt?
04:16, 06/04/2019
Nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam
10:58, 26/02/2019
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và “cuộc chiến” thị phần ngay trên sân nhà
07:00, 16/02/2019
Năm 2019 cũng mang dấu ấn về những động thái tích cực của chính phủ và các bộ ngành làm cho nguồn cung hàng hóa trong nước và xuất khẩu phát triển ở mức cao hơn, chất lượng hơn, giảm chi phí hơn. Hàng loạt các chính sách phát triển sản xuất đã được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người sản xuất và phục vụ cho bán lẻ trong nước và xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.
Nhiều chuỗi liên kết, chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối đã được thiết lập, trong năm qua, con đường đi của hàng hóa từ sản xuất tới bán lẻ đã được rút ngắn hơn, bớt những trung gian không cần thiết. Năm 2019 đã chứng kiến hàng loạt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chế độ hạch toán chi phí sản xuất và lưu thông cũng đã được tháo gỡ một phần.
Những kết quả thu được của ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2019 khẳng định ngành này vẫn là một trong những trụ cột quan trọng góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy sản xuất và phục vụ cho tiêu dùng xã hội.
Tích tụ tập trung thương mại
Hàng loạt “phi vụ” hợp tác kinh doanh, M&A…. được thực hiện giữa các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn bán lẻ như Central Group và BJC (Thái Lan); Aeon, Sasuke, Seven Eleven (Nhật Bản), Lotte, JS25 (Hàn Quốc)… đã và đang tiếp tục phát triển các chuỗi bán lẻ và cửa hàng tiện lợi, đồng thời nâng cấp và đổi mới các mô hình kinh doanh đã có để mong chiếm lĩnh thị phần và khách hàng.
Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì sao? Đầu năm 2019, Vingroup đã hoàn tất việc mua lại chuỗi bán lẻ Fivimart, trước đó chuỗi bán lẻ Viễn Thông A cũng đã trở thành công ty con của Vingroup. Tiếp theo đó, chuỗi Shop & Go cũng đã “tự nguyện” nhượng lại toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi cho Vincommerce chỉ với giá 1USD. Gần đây nhất, tháng 12/2019, một sự kiện hợp tác “có một không hai” ở thị trường nội địa Việt Nam là Vinmart, Vinmart+ của Vincommerce hợp tác với Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Masan. Sự hợp tác giữa sản xuất và bán lẻ Việt.
Cần nhấn mạnh ở sự kiện này, không phải là một phi vụ M&A hay mua bán mà là sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với nhau để trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu trong cả nước. Mục đích của sự hợp tác này rất rõ ràng, đó là sẽ tiến tới giành lại kênh phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Đây cũng chính là cách giải quyết khó khăn mà các nhà sản xuất và cung ứng Việt đang gặp phải khi tiếp cận một số siêu thị của nước ngoài.
Một số ví dụ cụ thể, sự kiện Thế giới di động làm nhãn hàng riêng đã bị “mời” ra khỏi hệ thống Siêu thị Big C. Tháng 7/2019, 200 nhà cung cấp hàng may mặc chỉ sau một công văn ngắn, một cuộc điện thoại, một bản fax, họ đã bị Big C tạm dừng hợp tác ngay sau đó mà thiếu những lý do cụ thể từ phía siêu thị này.
Nhìn lại quá trình tích tụ tập trung thương mại của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trong năm qua cho chúng ta thấy xu hướng tích tụ để lớn hơn, mạnh hơn và dành quyền chủ động trên thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau những phi vụ này có đem lại một tương lai sáng sủa hơn cho các nhà sản xuất, nhà cung ứng và quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng hay không mới là điều thật sự cần quan tâm.
Bán hàng đa kênh
Tại thị trường bán lẻ Việt Nam, năm 2019 cũng xuất hiện xu hướng mới, đó là bán hàng đa kênh. Công nghệ thông tin đã phát triển và tác động mạnh mẽ vào các ngành kinh tế của mỗi nước, trong đó có ngành bán lẻ Việt Nam. Bán lẻ online đã trở thành nhu cầu tất yếu khách quan trong sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ hiện nay không chỉ đơn thuần giữ nguyên bán hàng trực tiếp, họ phải đầu tư để song song thực hiện 2 phương thức bán hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đáp ứng những xu thế tất yếu của tiêu dùng xã hội. Bài học kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, sau khi có sự xuất hiện của phương thức kinh doanh qua mạng, hàng loạt các cửa hàng bán lẻ trực tiếp phải đóng cửa hoặc phá sản.
Đơn cử, tại thị trường Mỹ, hồi tháng 9/2019 đã chứng kiến 2 cửa hàng bán lẻ lớn là Forever 21 và Barneys New York tuyên bố phá sản, nguyên nhân chính là không thể cạnh tranh được với những thương hiệu bán hàng trực tuyến đang hoạt động mạnh mẽ trên thị trường. Còn tại Việt Nam, các tên tuổi lớn trong và ngoài nước như Lazada, Alibaba, Amazon, Adayroi, Tiki… đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở thị trường gần 100 triệu dân với nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2020 và những năm sau. Đã có những cảnh báo của các chuyên gia bán lẻ về sự xâm nhập mạnh mẽ từ các tập đoàn này nhằm có những động thái tích cực để nâng cao hiệu quả của bán lẻ trực tiếp trong thời gian tới.
Năm 2019 còn một xu hướng nữa không thể không nhắc tới, đó là xu hướng mua sắm trải nghiệm đã được thực hiện nhiều năm nay và đạt được nhiều kết quả. Phương thức bán hàng đi đôi với các trải nghiệm như vui chơi, giải trí, làm đẹp, nghỉ dưỡng, ăn uống... Trong một hai năm tới, những tổ hợp mua sắm trải nghiệm vui chơi giải trí của các Tập đoàn như Vingroup với Vincom Megamall, Sun Group với khu Sunworld, FLC với khu nghỉ dưỡng FLC resort, Aeon với khu Trung tâm thương mại phức hợp Aeonmall…. Những tổ hợp này tuy mới hoạt động một thời gian ngắn nhưng bước đầu đã cho những hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp và đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
3 xu hướng tiêu dùng
Đề cập tới xu hướng phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ, không thể không đề cập tới xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam. Trên thị trường bán lẻ và dịch vụ, chúng ta rất dễ nhận thấy một số xu hướng tiêu dùng đang phát triển, như khách hàng muốn trải nghiệm nhiều hơn tại các trung tâm mua sắm dịch vụ hiện đại, trải nghiệm mua sắm trực tuyến… Có thể phải trả nhiều tiền hơn đối với các dịch vụ đó nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng thanh toán.
Về xu hướng tiêu dùng số. Với trên 50% dân số Việt Nam thường xuyên truy cập Internet, mạng di động đã kết nối rất hiệu quả giữa người mua và người bán, giữa nhà cung ứng và đơn vị bán lẻ. Ngoài ra, người tiêu dùng còn sử dụng các công cụ tìm kiếm trên điện thoại di động và điện thoại thông minh để thực hiện các dịch vụ như đặt chỗ, giao đồ ăn nhanh, phương tiện vận chuyển, giữ nhà và mua các vật dụng tiêu dùng khác….
Tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Xu hướng “cao cấp hóa” người tiêu dùng cho tầng lớp trung lưu có thu nhập cao từ 2,6 triệu người năm 2012 lên 10 triệu người năm 2020 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ về xu hướng này của người tiêu dùng. Điều đó có ý nghĩa rất tích cực là các hàng hóa cao cấp bao gồm cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ được tiêu thụ mạnh hơn trong 5-10 năm tới đây. Những tín hiệu về đổi mới xu hướng kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp bán lẻ và các xu hướng mới của người tiêu dùng trong năm qua sẽ là những tiền đề cho sự phát triển tốt đẹp của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai không xa.
Tương lai thuộc về bán lẻ
Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đều có chung một nhận định: tương lai của bán lẻ Việt Nam rất sáng sủa và có nhiều tiềm năng, bởi dân số đông, sức mua ngày càng tăng, giới trẻ chiếm đa số, thị trường nông thôn còn trống vắng những hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong tương lai, khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam đạt tới mức từ 5.000 – 10.000USD/năm, thì chắc chắn sức mua tại khu vực bán lẻ sẽ tăng cao.
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong một số năm tới dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 2 con số. Những thành tựu mới của Công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin sẽ giúp thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng hơn và giảm chi phí hơn. Bán lẻ Việt với định hướng xuyên suốt “lấy khách hàng làm trung tâm, nhân tố quyết định sự tồn tại của mỗi thương hiệu bán lẻ”, người tiêu dùng sẽ luôn đặt niềm tin thực sự vào những doanh nghiệp bán lẻ chân chính, phục vụ văn minh, có thương hiệu.
Mặc dù trong quá trình phát triển đi lên, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn gặp một số khó khăn nhất định. Song, tương lai sẽ thuộc về những doanh nghiệp chấp nhận đi cùng nhau để cùng đến đích nhanh và hiệu quả.