Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh vốn dự án giải ngân chậm
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân tốt nhằm khơi thông nguồn vốn.
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 11 tháng năm 2019, có 6 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%; trong đó, 4 bộ, ngành giải ngân trên 90% là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và 4 địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Phước.
Tuy nhiên, lại có 28 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (58,16%); 20 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% như Bộ Ngoại giao có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 5,62%, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là 5,34%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 9,29%, Đồng Nai 27,67%. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài mới đạt trên 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công
14:17, 26/09/2019
Phải giải trình nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công?
18:48, 19/08/2019
Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân
16:04, 14/09/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không được chậm giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia
05:05, 26/07/2019
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân khiến giải ngân chậm chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khâu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn và chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.
Để thúc đẩy giải ngân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, do Nghị quyết mới được ban hành nên tác động tới tiến độ giải ngân vốn chưa nhiều dẫn đến tiến độ giải ngân chưa được như kỳ vọng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cũng cho rằng, phân bổ nguồn vốn đầu tư công thuộc ngân sách Trung ương còn chậm, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, nhất là các công trình, dự án giao thông ở một số địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa được nhận vốn từ Trung ương. Các vấn đề này kéo dài nhiều năm chưa có biện pháp khắc phục quyết liệt khiến hiệu quả giải ngân còn thấp.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, vẫn còn nguyên nhân chủ quan từ phía các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và tình trạng dồn vào giải ngân cuối năm gây khó khăn cho cơ quan kho bạc.“Việc chậm giải ngân sẽ kéo chậm tăng trưởng của cả nền kinh tế, do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh hơn đối với các bộ, ngành, địa phương để diễn ra nghịch lý tồn tại hiện nay, đó là có tiền mà không tiêu được,” ông Phong bày tỏ.