Việt Nam cần cải cách để khơi thông tiềm năng của thị trường vốn

Anh Trà 17/12/2019 19:10

Báo cáo cho rằng cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực năm nay, dù toàn cầu chững lại.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2019, Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Kết quả tăng trưởng vững vàng trên có được là nhờ sự đóng góp của hai yếu tố chính gồm tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhờ đóng góp của xuất khẩu và khu vực tư nhân cho tăng trưởng GDP, Chính phủ có thể duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp: Nên sớm có thị trường vốn riêng

    Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp: Nên sớm có thị trường vốn riêng

    07:36, 24/04/2019

  • Trái phiếu doanh nghiệp: Mảng kém sáng của thị trường vốn

    Trái phiếu doanh nghiệp: Mảng kém sáng của thị trường vốn

    11:01, 31/08/2018

  • Trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế được phát hành thế nào?

    Trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế được phát hành thế nào?

    21:17, 05/07/2018

  • Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Việt Nam chú trọng phát triển thị trường vốn

    Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Việt Nam chú trọng phát triển thị trường vốn

    11:26, 25/10/2017

Đồng thời, Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn triển khai các biện pháp thận trọng và thích hợp nhằm duy trì tăng trưởng tín dụng khi tín dụng cho nền kinh tế ước tăng khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ.

Có thể thấy, triển vọng trước mắt và trong trung hạn là tích cực với dự báo GDP tăng trưởng quanh mức 6,5% trong những năm tới. Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định, Do đó, để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, báo cáo của Ngân hàng thế giới khuyến nghị cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động.

Tuy nhiên, chuyên gia Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia tài chính trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2016 cho thấy, cơ hội tiếp cận tài chính được nhận định là trở ngại nghiêm trọng nhất. Vốn vay từ ngân hàng cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của doanh nghiệp Việt. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với Malaysia (50%) hay các nước OECD (80%).

Đồng thời, các thị trường vốn ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 đến 2 lần, và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra 4 thách thức chính đang cản trở sự phát triển thị trường vốn Việt Nam bao gồm thị trường này vẫn quá tập trung vào tín dụng ngân hàng; phát triển thị trường vốn chưa bắt kịp các nước trong khu vực, xét cả về quy mô tương đối lẫn quy mô tuyệt đối và chất lượng; mạng lưới nhà đầu tư vốn dài hạn còn mỏng và tính đa dạng của lựa chọn đầu tư còn hạn chế trên thị trường. 

"Mặc dù Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong những năm qua, nhưng vẫn đứng sau hầu hết các nền kinh tế khu vực Đông Á. Quan trọng hơn, là vẫn chưa có khả năng huy động tài chính đáp ứng tất cả nhu cầu của khu vực sản xuất kinh doanh đang đói vốn, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp cần được ưu tiên nếu chính phủ muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm", ông Alatabani cho biết. 

Do vậy, cần xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới. 

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này cũng góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị 5 lĩnh vực mà các nhà lập chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn, bao gồm: hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo; và tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.

Trong đó, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực theo hướng đem lại các công cụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn. Do đó, khi thị trường này phát triển thêm, cần phải cải thiện hoạt động trên thị trường thứ cấp về trái phiếu doanh nghiệp. Cơ chế thị trường và hạ tầng thanh toán/bù trừ cũng cần được cải thiện để loại bỏ yêu cầu nộp tiền trước khi giao dịch, làm hạn chế thanh khoản trên thị trường thứ cấp. 

Anh Trà