Cán cân thương mại "đảo chiều" trong nửa đầu tháng 12

Linh Nga 20/12/2019 01:00

Sau nhiều tháng liên tiếp lập kỷ lục xuất siêu, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 12/2019 đảo chiều, thâm hụt nhẹ 30 triệu USD.

dfs

Mặc dù thâm hụt 30 triệu USD nửa đầu tháng 12 song cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019 đạt thặng dư 10,61 tỷ USD.

Thâm hụt nhẹ 30 triệu USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2019 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2019) đạt 20,35 tỷ USD, giảm 9,7% (tương ứng giảm 1,57 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 11/2019.

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 492,71 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 năm 2019 thâm hụt 30 triệu USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019 đạt thặng dư 10,61 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2019 đạt 10,023 tỷ USD, giảm 9,1% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 11/2019.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 251,66 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, bao gồm: Máy vi tính điện tử và linh kiện đạt 1,6 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD; giày dép các loại 782 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ đạt 774 triệu USD.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2019 đạt 10,32 tỷ USD, giảm 6,6% so với kỳ trước.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 241,05 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018.Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn, bao gồm: Máy vi tính điện tử và linh kiện đạt 2,063 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ đạt 1,6 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 594 triệu USD; vải các loại đạt 540 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu 357 triệu USD.

2020 - thuận lợi và thách thức đan xen

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, ảnh hưởng của kinh tế thế giới khiến hoạt động xuất khẩu vẫn còn nhiều vấn đề không thể chủ quan. Bên cạnh những thuận lợi có những thách thức đan xen nhau.

Những thuận lợi sẽ đến với xuất khẩu khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 Hiệp định thương mại (FTA) được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong năm vừa qua, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn nhìn nhận “năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức”. Theo người đứng đầu ngành công thương, những thách thức trên phần lớn đến từ tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại “sẽ còn diễn biến phức tạp”.

“Câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. Bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.

Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như xuất khẩu điện thoại các loại, đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Chưa kể đến việc EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Do đó, theo lãnh đạo Bộ Công thương, kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. 

Linh Nga