Chiều 20/12: {Trực tiếp} Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”
13h30 chiều nay (20/12), Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” sẽ diễn ra tại Hải Phòng. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo DĐDN.
Tại Chỉ thị 25/CT-TTg ban hành mới đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ có cơ chế đặc thù để khuyến khích một số doanh nghiệp tầm cỡ phát triển trở thành doanh nghiệp đầu tàu, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp khác trong Vùng phát triển.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của "Diễn đàn Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ" lần thứ nhất tổ chức từ 13h30 – 17h00 ngày 20/12 tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng, 18 Hoàng Diệu, Hải Phòng.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 7 tỉnh thành chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Sở KH&ĐT Vùng KTTĐ Bắc Bộ tổ chức.
Diễn đàn đặt mục tiêu tiếp nhận những đóng góp, những phân tích, gợi ý chính sách từ các chuyên gia đầu ngành kinh tế về khoa học vùng và các tổ chức đầu tư, từ cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, gia tăng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Sức hấp dẫn đối với các tập đoàn tư nhân
Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Theo Chỉ thị của Thủ tướng, mục tiêu là vùng KTTĐ Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Xây dựng vùng KTTĐ Bắc Bộ trở thành một trong hai vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời phát triển mạnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Vùng, nhất là các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông tin, du lịch và các ngành dịch vụ khác...
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương thực hiện dự án đầu tư tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ VinFast của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – Tập đoàn Vingroup tại xã Văn Phong và xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải. Vào giữa tháng 6 năm nay, VinFast cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Hưng Yên liên tục đón nhận dòng vốn đầu tư khủng từ các công ty bất động sản, từ những "ông lớn" có tiếng trong mảng địa ốc như Vingroup, Tập đoàn T&T đến doanh nghiệp mới chuyển hướng sang bất động sản như Hòa Phát. Hay dự án Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô của Công ty TNHH Ford Việt Nam vừa được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt chủ trương đầu tư... Những dự án trên không chỉ góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố Hải Phòng và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ cho cả khu vực.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước.
Nói như TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, suốt mấy chục năm, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam”. Nay Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực.
Về du lịch, hãy hỏi: ai đã làm cho Hạ Long phát triển tương xứng với danh hiệu “kỳ quan thế giới”? Tất nhiên, nhiều lực lượng kinh tế đóng góp vào thành công này. Nhưng điều cần ghi nhân là vai trò nổi bật của khu vực tư nhân, của những tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, Vin Group…
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn (thuộc Sun Group) thực hiện với tổng mức đầu tư 7.432 tỷ đồng. Vùng đất nghèo nàn, hoang sơ như Vân Đồn trước đây, giờ đã trở thành lợi thế. Có sân bay do Sun Group đầu tư, tiềm năng của Vân Đồn được đánh thức. Các nhà đầu tư “lũ lượt” kéo về, diện mạo Vân Đồn đang thay đổi rất nhanh.
Những dự án trên thể hiện sức hấp dẫn của vùng KTTĐ Bắc Bộ đối với các tập đoàn đầu tư tư nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Hướng tới vùng dẫn đầu về kinh tế
Tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mới đây, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách. Làm sao khu vực này trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng như mục tiêu đề ra”.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Trình độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa tiếp tục cải thiện để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Dưới góc độ nhà đầu tư bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, vai trò động lực, đầu tàu với kinh tế cả nước của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa xứng tầm. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng Bắc Bộ đang cao so với mặt bằng chung cả nước...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tại Chỉ thị số 25/CT-TTg Thủ tướng đã xác định rõ: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT:
Vùng KTTĐ Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Về phát triển kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ hiện đang là lợi thế và đóng góp lớn nhất cho Vùng nhưng tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năm 2016 tăng trưởng 9,05% nhưng năm 2018 giảm xuống 7,54%.
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 chỉ tăng 20%, thấp hơn mức 31,2% năm 2017. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp hơn bình quân cả nước, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên thiếu tính bền vững trước sự biến động của thị trường.
PCI của một số địa phương trong Vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh:
Thương mại hiện nay hòa quyện với quá trình sản xuất và tiêu dùng, dịch vụ, không còn chỉ là khâu trung gian nối sản xuất với tiêu dùng. Bên cạnh đó, cách nhìn về xúc tiến thương mại, thị trường bây giờ không chỉ bó hẹp ở tỉnh hay Việt Nam, mà còn là thế giới; đối tác không chỉ là người tiêu dùng, địa phương, xuất khẩu mà còn cả nhập khẩu.
Bộ Công Thương, các tỉnh hãy nhìn về liên kết và hãy bắt đầu nhìn từ cách làm ăn của doanh nghiệp, thị trường và cách hỗ trợ trong một thế giới đổi thay như hiện nay. Muốn đi nhanh phải đi với thị trường và những xu thế mới.
Tỉnh nào cũng có lợi thế so sánh thương mại riêng, nhưng muốn tham gia vào “cuộc chơi” toàn cầu, cần lưu ý đảm bảo quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất phải tối ưu hóa, kết nối hệ thống phân phối, nhìn nhận đầy đủ các biến số thị trường (thị hiếu, thu nhập, tỷ giá…), giảm chi phí logistics.