Doanh nghiệp đề xuất thành lập Hiệp hội đồ gỗ và nội thất Việt Nam

Thy Hằng 23/12/2019 17:33

Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Quốc Khanh đề xuất xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế và thành lập Hiệp hội đồ gỗ và nội thất Việt Nam.

Ông  Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) thẳng thắn nhận định, doanh nghiệp ngành gỗ chưa phát triển bền vững và mạnh mẽ, xứng với tiềm năng, bởi còn phải đối mặt với những thách thức lớn.

N ăm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu.

Năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu.

Thứ nhất là thách thức trong xây dựng nguồn nguyên liệu bản địa. Mặc dù doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã tổ chức được nguồn nguyên liệu chủ động nhưng thực tế vẫn ghi nhận chuyện lâm dân “bán lúa non”, chấp nhận thu hoạch sớm cho việc băm làm dăm gỗ dù giá bán rẻ hơn.

Để có thể gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng, lâm nghiệp, Việt Nam sẽ phải tổ chức tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng nguyên liệu bằng cách lựa chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật trồng cũng như tuyên truyền cho lâm dân kéo dài tuổi thọ trồng rừng.

"Để làm tốt công tác này, nhà nước cũng cần mạnh dạn triển khai những chương trình tín dụng để lâm dân có điều kiện theo đuổi công tác trồng cây lâu năm... sự vào cuộc các viện giống cây trồng", ông Khanh nhấn mạnh.

Thứ hai, là khó khăn về vấn đề nhân lực. Theo đó, ông Khanh cho biết, ngành chế biến gỗ đang có khoảng 500.000 nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp

    15:30, 23/12/2019

  • Ngân hàng ngại cho vay, doanh nghiệp nông nghiệp khó sản xuất lớn

    12:30, 23/12/2019

  • Vingroup xin ưu đãi thuế phí cho lĩnh vực sản xuất ô tô điện

    12:05, 23/12/2019

  • Chủ tịch VCCI: Nếu xóa chồng chéo giữa các luật đầu tư kinh doanh, tăng trưởng GDP có thể đạt 9-10%

    11:49, 23/12/2019

  • "Thẳng thắn nêu tên bộ ngành, địa phương gây nhũng nhiễu doanh nghiệp"

    09:48, 23/12/2019

  • "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 3 và quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ

    04:50, 23/12/2019

Ngoài việc không được đào tạo chuyên môn, thể lực lao động Việt Nam vẫn yếu, sức bền trong công việc không tốt. Chưa kể, tính kỷ luật của đội ngũ này cũng không cao. Với ngành gỗ, nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế - sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ.... "Đáng tiếc, việc tổ chức nhân lực cho ngành chưa có quy hoạch từ các bộ ngành", Chủ tịch HAWA nói.

Thứ ba là khai thác giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, Chủ tịch HAWA cho rằng, phải hội tụ được các yếu tố mà chúng ta chưa tốt, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết, là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn. 

Cuối cùng, ông Khanh gợi ý cần phát triển hệ sinh thái, bởi trong xu hướng kết hợp đa vật liệu của thế giới, chế biến gỗ không còn gói gọn trong một ngành mà đã là tổng hoà của rất nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo ông Khanh, tư tưởng cục bộ địa phương, chưa phát huy được sức mạnh cốt lõi từng hiệp hội, chưa có quy hoạch ngành cũng đang phổ biến ở bất cứ ngành nào, nên khó tổ chức được chuỗi giá trị, không phát huy mô hình tích hợp gắn kết. Nếu biết kết hợp, cùng ngồi lại với nhau, việc tạo nên các giá trị lớn hơn sẽ là điều chắc chắn.

Đặc biệt, ông Khanh đề xuất nhà nước nhanh chóng tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế và thành lập Hiệp hội đồ gỗ và nội thất Việt Nam, trong đó TP.HCM sẽ là lá cờ đầu.

Thy Hằng