Xuất khẩu sụt giảm, các "ông lớn" cá tra cũng chật vật
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có sự sụt giảm do những rào cản thương mại, cùng với tình hình cung cầu thế giới có biến động về giá cả.
Theo VASEP, tháng 11/2019, xuất khẩu cá tra giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều có giá trị giảm và Trung Quốc - Hồng Kông là thị trường duy nhất trong top “cứu” không cho giá trị bị sụt giảm sâu thêm. Tính tới hết tháng 11/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,81 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giảm ở hầu hết các thị trường
Tháng 11/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang hai thị trường Mỹ và EU đều giảm, lần lượt 60,2% và 36% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới hết tháng 11/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đạt lần lượt 258,5 triệu USD và 217,6 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh tới 47,7% và EU giảm không đáng kể 0,1%.
Nửa cuối năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đơn lẻ tại EU như: Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ không ổn định và có một số tháng giảm tới hai con số. Điều này khiến cho tổng giá trị xuất khẩu sang toàn khu vực này giảm dần từ mức tăng trưởng dương khả quan từ đầu năm xuống tăng trưởng âm vào cuối tháng 11/2019.
Rào cản thương mại và kỹ thuật, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh tác động trực tiếp tới giá xuất khẩu cũng khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm trong 11 tháng đầu năm nay.
Tại thị trường ASEAN, tổng giá trị xuất khẩu cá tra 11 tháng đạt 180,9 triệu USD, giảm 1,4%. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Thái Lan tăng 2,8%, Malaysia tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Cũng từ quý 3, xuất khẩu sang một số thị trường tại khu vực này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong đó có Thái Lan khiến cho giá trị xuất khẩu giảm dần và chững. xuất khẩu cá tra sang Malaysia và Philippines vẫn khá ổn định và dự báo sẽ khả quan trong các tháng cuối năm.
Kết thúc 11 tháng xuất khẩu đầu năm 2019, cá tra Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thị trường sáng nhất tiếp tục là Trung Quốc - Hồng Kông. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 66,11 triệu USD, chiếm 37,8% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam 11 tháng năm nay cho thấy còn nhiều mảng tối tại một số thị trường trọng điểm. Do vậy, VASEP dự báo kết thúc năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ giảm khoảng 15% so với 2018.
Lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút
Năm nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm mạnh và ở mức thấp. Điều này cũng tác động không nhỏ tới giá trị xuất khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp cá tra. Với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra niêm yết, ngoại trừ CTCP Nam Việt - ANV báo cáo doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng lần lượt là 13% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI tăng trưởng doanh thu 28% nhưng lợi nhuận giảm 37%, thì các doanh nghiệp khác như CTCP Vĩnh Hoàn - VHC, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang - ACL, CTCP Hùng Vương - HVG, CTCP Thủy sản MeKong - AAM, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang - AGF đều tăng trưởng âm, thậm chí HVG và AGF vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Tính riêng quý III/2019, doanh thu của VHC giảm 25%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, HVG lỗ thêm 129 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như ACL có lợi nhuận giảm sâu, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ; lợi nhuận của CMX giảm 55% so với cùng kỳ.
9 tháng đầu năm 2019, AAM thực hiện vượt 15% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng kế hoạch này thấp hơn 33% so với thực hiện năm 2018; ACL hoàn thành được 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Các doanh nghiệp như VHC, ANV, IDI, CMX lần lượt thực hiện được 80%, 72%, 44%, 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019.
ACL - một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ thông tin rằng với việc áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất trong nửa đầu năm 2018 đã khiến sản phẩm của Công ty gặp khó khăn ở thị trường này.
Năm 2020, ngành thuỷ sản được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi có yếu tố thúc đẩy tăng trưởng là Hiệp định EVFTA và thuế nhập khẩu phần lớn cá tra nguyên liệu giảm từ 5,5% xuống 0% trong vòng 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, EVFTA sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ cá tra của người dân tại EU.
Việc Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Hi vọng rằng, năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng trở lại, còn trong năm nay và quý IV cuối năm, dự báo, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn giảm.