Điện mặt trời sau một năm “chạy nhanh, phanh gấp”

Bùi Long 25/12/2019 16:00

Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời đã tạo động lực cho năng lượng tái tạo phát triển, nhưng nó cũng khiến quy hoạch điện bị vỡ.

Chính phủ phải điều tiết bằng cách giảm bớt các ưu đãi trong đó có giá bán điện.

p/Năng lượng tái tạo cũng gây khó khăn trong việc điều hành hệ thống điện do phụ thuộc vào thời tiết… Ảnh: Quốc Tuấn

Năng lượng tái tạo cũng gây khó khăn trong việc điều hành hệ thống điện do phụ thuộc vào thời tiết… Ảnh: Quốc Tuấn

Tại cuộc đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 23/12, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế giá điện khuyến khích điện mặt trời sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực (30/6), để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng từ tái tạo...

Có thể bạn quan tâm

  • 60 nhà đầu tư điện mặt trời “kêu cứu” Thủ tướng

    11:11, 25/12/2019

  • Tạm dừng đề xuất, thỏa thuận dự án điện mặt trời để tiến tới đấu thầu?

    11:18, 18/12/2019

  • Điện mặt trời: Đấu thầu có phải là “cây đũa thần”

    00:02, 10/12/2019

  • Cơ chế đầu thầu dành cho giá điện mặt trời

    04:00, 24/11/2019

  • Điện mặt trời “chết” vì mặt bằng

    11:00, 18/11/2019

  • Điện mặt trời và hành trình tăng trưởng xanh

    14:16, 11/11/2019

  • Thanh Hóa: dự án Nhà máy điện Mặt trời 2.681,0 tỷ đồng có nguy cơ “thất thủ”

    07:00, 13/11/2019

Quá tải điện mặt trời

Năm 2019 là một năm “chạy nhanh, phanh gấp” của các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo. Quyết định 11 với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời sẽ hết hạn vào ngày 30.6, khiến nhiều chủ đầu tư khác đã ồ ạt đổ tiền vào điện mặt trời để mong được hưởng chính sách giá là 9,35 cent một kWh trong 20 năm.

Nếu năm 2018, 3 nhà máy đóng điện thành công, con số này tăng lên gần 30 lần sau 6 tháng, tập trung rầm rộ vào tháng 4 và 6/2019, với công suất lắp đặt xấp xỉ 4.500 MW. Riêng tháng 6, tháng cuối cùng trước khi Quyết định 11 hết hiệu lực, có thêm 49 dự án vận hành.

  Tỉ lệ các nguồn điện vẫn có sự chênh lệch khá lớn với nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn lên tới trên 41%, đứng thứ 2 là nhiệt điện khí với trên 21%, còn lại là thủy điện, điện hạt nhân, điện tái tạo...

Hệ quả, đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời (ÐMT) với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này vượt xa so dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Do đó, hệ thống truyền tải điện đã bị quá tải nghiêm trọng, nhất là tại các vùng có ưu thế phát triển điện mặt trời như Phan Rang, Bình Thuận…

Giám đốc Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) Nguyễn Ðức Cường cho biết, ngay từ đầu, việc quá tải lưới điện đã được EVN và NLDC cảnh báo tới các chủ đầu tư hết sức công khai, minh bạch, cũng như áp dụng mọi giải pháp tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa. NLDC cũng ứng dụng phần mềm tự động điều chỉnh công suất (AGC), trực tiếp điều khiển công suất các nhà máy NLTT, nhằm duy trì công suất trong ngưỡng cho phép.

Về mặt quản lý nhà nước, trong tình trạng thiếu hụt điện tại miền nam như hiện nay, thì việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời sẽ tăng cường an ninh cung ứng điện, giảm căng thẳng trong vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cũng gây khó khăn trong việc điều hành hệ thống điện do phụ thuộc vào thời tiết…

Đây là một trong những lý do chính, khiến thời điểm 30/6 đã qua từ lâu, nhưng Chính phủ vẫn chưa ban hành khung giá điện mới.Trong thời gian này, chỉ mới có thêm 2 dự án đi vào vận hành, các dự án còn lại hiện đang “chờ” giá điện mới. Thậm chí, có 39 dự án đã ký xong PPA, đang thi công dở dang nhưng "lên được lưới hay không thì phải chờ". Điều họ chờ đợi chính là cơ chế giá rõ ràng cho giai đoạn sau ngày 30/6 và đến giờ sau nửa năm vẫn chưa ngã ngũ.

Cơ chế điều chỉnh phù hợp

Theo các doanh nghiệp, suất đầu tư vẫn tương tự với giá trước đây, nhưng giá bán ra lại giảm 32% thì toàn bộ sẽ "ăn" vào lợi nhuận đầu tư, trong khi các chi phí đều tăng. Trong khi khả năng vay vốn các dự án năng lượng ngày càng khó khăn, điều kiện thắt chặt hơn, lãi vay cao nên hiệu quả dự án giảm đi nhiều so với trước. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong thu hồi vốn và gặp rủi ro về mặt tài chính.

Mới đây, 27 nhà đầu tư cũng đã gửi đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng về biểu giá điện mặt trời. Cụ thể, các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận biểu giá FIT mua điện mặt trời không thấp hơn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh), điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.750 đồng/kWh) như dự thảo công bố ngày 6/12.

Thực tế, từ tháng 6, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo giá điện mặt trời mới áp dụng sau ngày 30/6 với đề xuất chia 4 vùng giá theo mức bức xạ nhiệt. Thế nhưng ở lần đề xuất sau đó, Bộ Công Thương lại chỉ chọn một mức giá cho tất cả vùng, 1.620 đồng một kWh, thấp hơn nhiều so với mức giá ưu đãi áp dụng trước tháng 7/2019. Bộ Công Thương sau đó lại đổi phương án sau khi được Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án đấu thầu điện mặt trời, tương tự cách Campuchia triển khai.

Tất nhiên, ngoài kiến nghị về mức giá điện, các doanh nghiệp này cũng mong muốn tháo gỡ những vướng mắc của Luật quy hoạch đối với hoạt động bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển.

Bùi Long