Thủ tướng: Không để tình trạng "biết rồi khổ lắm nói mãi"
Cho biết có doanh nghiệp bức xúc vì kiến nghị gửi 3-4 tháng không được giải quyết, Thủ tướng yêu cầu, các Bộ ngành, địa phương phải ưu tiên giải quyết tồn tại không phải biết rồi nhưng để đó.
Phát biểu tổng kết Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2019 chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được kết quả toàn diện và tình hình đáng mừng, mang lại đời sống tốt cho người dân, khơi dậy tiềm lực xã hội.
Phải có khát vọng phát triển
“Chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như vậy, đó là kết quả của 30 năm đổi mới, chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Đồng thời cho rằng có nhiều địa phương, cơ sở đã có các mô hình tốt.
Đặc biệt, Thủ tướng nhận định, các thành phần kinh tế kể cả DNNN, doanh nghiệp tư nhân, HTX và cả người dân đều năng động, quyết tâm. Cần tiếp tục nhân rộng, thể hiện khát vọng phát triển.
Tuy nhiên khẳng định chưa phải là tất cả, Thủ tướng yêu cầu, Bộ ngành nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào chưa làm tốt phải thấy được yếu kém để khắc phục, vươn lên.
Nhắc tới dấu mốc 500 tỷ USD của xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2019, Thủ tướng lưu ý chi phí logistics vẫn còn quá cao. “Một quả xoài xuất khẩu mất tới 50% cho chi phí logistics, các bộ ngành liên quan phải giải quyết vấn đề”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết nhiều doanh nghiệp, tập đoàn vẫn khó khăn về mặt bằng, nguồn nhân lực… do đó, yêu cầu phải giải quyết tồn tại không phải để đó “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
"Chúng ta nói khát vọng phát triển, đồng thời phải giải quyết những khó khăn vướng mắc được chỉ ra. Phải hành động, không thể chỉ lý thuyết. Những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp DNNN, ô nhiễm môi trường… hay những vấn đề bức xúc xã hội như ma tuý học đường… cần được khắc phục nhanh hơn, tốt hơn", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, không để tình trạng quý I năm 2020 lại nhắc lại những tồn tại đang nói tháng 12/2019 này.
Khẳng định dù đã chỉ ra những phương hướng, nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, mở rộng thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, Thủ tướng cho rằng: “Thông điệp phải là “không đánh đổi môi trường”, văn hoá và văn minh xã hội lấy kinh tế, đó mới là định hướng kinh tế thị trường tại Việt Nam. Bởi nền tảng xã hội là bệ đỡ cho phát triển kinh tế”.
Đặc biệt, từ đó, Thủ tướng yêu cầu cấp uỷ các chính quyền địa phương phải chỉ đạo liên tục hệ thống này hoạt động tốt hơn nữa, thấy được những tồn tại yếu kém.
Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn thừa nhận vẫn còn sự chậm chạp trong xử lý việc của bộ máy chính quyền. Trong một bộ phận cán bộ vẫn còn tinh thần trách nhiệm chưa cao.
Khẳng định nguồn lực còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, không thể dùng quản lý để kìm hãm sự phát triển của đất nước là không đúng.
“Tôi gặp doanh nghiệp người ta bức xúc vì văn bản gửi 3-4 tháng không được giải quyết”, Thủ tướng nói. Đồng thời cho biết, sự phối hợp còn kém, cái gì có lợi cho ngành thì làm, cái không có lợi là không làm. Do đó, cần giải quyết điểm nghẽn trong công tác phối hợp.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp năm 2020: Chú trọng phát triển thị trường ASEAN
11:49, 31/12/2019
Cần Thơ đề xuất nhà nước giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hoá các công ty nước sạch
11:00, 31/12/2019
Hải Phòng xin thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù từ năm 2020
08:47, 31/12/2019
Hà Nội đề xuất thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
14:44, 30/12/2019
TP.HCM xin cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng và tái định cư
14:01, 30/12/2019
“Mây đen phủ kín toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”
12:03, 30/12/2019
Kinh tế 2019: Nhiều "nghịch lý" đã thay đổi
10:29, 30/12/2019
Cần những "trụ cánh" để kinh tế Việt Nam 2020 vươn cao, bay xa
10:07, 30/12/2019
Ưu tiên nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong tháo gỡ vướng mắc. Trước hết, hoàn thiện hệ thống pháp lý, áp dụng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, nhất là các vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô ổn định. "Với tình hình kinh tế thế giới biến đổi, ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu đầu tiên trong điều hành của các cấp ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ tiếp theo là cơ cấu nền kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương, Bộ ngành đề xuất giải quyết kịp thời hơn. Theo đó, từng bộ phải có chương trình như tái cơ cấu các vấn đề của từng bộ như phát triển nông nghiệp CNC, khởi nghiệp,…như thế nào. Đặc biệt lưu ý cần giải quyết vấn đề dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng lấy ví dụ, với Bộ GTVT là những dự án trọng điểm chậm tiến độ, thu phí không dừng…Đồng thời, phải làm dự án khả thi cho các dự án trọng điểm của các khu vực.
Với Bộ Công Thương, Thủ tướng nhắc tới các mục tiêu như xuất khẩu năm 2020 đạt 300 tỷ USD và năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu. Với Bộ TT&TT là triển khai mạng 5G,…
Thủ tướng cũng yêu cầu không để xảy ra tình trạng cấp dưới biếu quà cấp trên. “Tất cả các đồng chí phải làm gương, không phải kéo ra ngoài này biếu quà Tết làm xe cộ tăng ùn ùn””, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt nhắc tới việc ban hành Nghị quyết 01 và 02, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ ngành, địa phương phải có chương trình hành động ngay từ những ngày đầu năm, “việc hôm nay chớ để ngày mai”.