Giải bài toán thiếu hụt điện (Kỳ cuối): Giải pháp đảm bảo điện trong dài hạn

Anh Duy 02/01/2020 11:00

Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ nhất chính là phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Và để làm được điều đó, cần có một quyết tâm chính trị trong chính sách năng lượng ở Việt Nam.

Khả năng thiếu điện hiện hữu đã được chỉ ra ngay trong năm tới và sẽ thiếu hụt nghiêm trọng từ năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng điện vẫn không ngừng tăng cao. Các đối tượng tiêu dùng không chỉ yêu cầu phải được đáp ứng đủ điện, mà còn đòi hỏi việc cung cấp điện không bị gián đoạn, chất lượng điện ổn định, với giá cả hợp lý.

hiệu quả năng lượng trong các đô thị nó gần như là cứu cánh. Bởi vì đến năm 2030, năng lượng dùng cho đô thị phải lên tới 45-50% trong toàn bộ năng lượng sử dụng của Việt Nam.

Đến năm 2030, năng lượng dùng cho đô thị sẽ lên tới 45-50% trong toàn bộ năng lượng sử dụng của Việt Nam.

Theo ông Vũ Trung Dũng, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, doanh nghiệp này hiện có 5.000 lao động, trước đây trung bình Nhà máy phải mua khoảng 90 triệu kWh điện/tháng.

“Sau đó, chúng tôi tận dụng khí khói nóng thải từ công đoạn sản xuất than cốc để đưa vào chạy tua bin máy phát để phát điện. Hiện tại chúng tôi đã đưa vào sản xuất được 4 tua bin với tổng công suất thiết kế lên tới 60MW. Với công suất nguồn này chúng tôi tự đáp ứng được 1/3 lượng điện mà doanh nghiệp sử dụng mà lẽ ra phải mua của EVN”, Đại diện Cty CP Thép Hoà Phát Hải Dương cho biết. Đồng thời cho biết, nhờ tự sản xuất được nên doanh nghiệp đã giảm được 1/3 lượng điện so với trước đây, tương ứng tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng/tháng.

Được biết, với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, trong đó sản xuất gang, thép là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện và than. Để giảm chi phí giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, Tập đoàn Hòa Phát đã tập trung đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại vào tất cả các quy trình sản xuất. Nhờ đó, nhiều nhà máy của tập đoàn này đã tự sản xuất và chủ động được hơn một nửa số lượng điện cần thiết, thông qua việc tiết kiệm điện và tận thu, tái sử dụng các nguồn nhiệt thải ra trong quá trình sản xuất.

Từ thực tế của Hòa Phát cho thấy khả năng tiết kiệm điện nói riêng, sử dụng hiệu quả năng lượng nói chung trong các ngành công nghiệp là rất lớn.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, trong đó riêng tiêu thụ điện chiếm tới 55% sản lượng điện toàn quốc. Nếu các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm từ 20-30%, thậm chí nhiều lĩnh vực có thể tiết kiệm tới 40% lượng tiêu thụ hiện nay. Điều này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù nhận thức được hiệu quả của tiết kiệm năng lượng nhưng tại sao vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức?

Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm trong danh sách “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” – tức có mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương -1000 TOE trở lên chia sẻ rằng, không phải họ không muốn tiết kiệm năng lượng, nhưng do việc vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ khó khăn, trong khi giá năng lượng trong chi phí giá thành sản xuất vẫn có thể chấp nhận được nên “chưa tính đến”.

Theo tính toán của các chuyên gia, thực tế tiêu dùng điện của Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện nhiều. Để tăng trưởng GDP từ 6,8-7%/năm thì tăng trưởng điện vẫn khoảng 10%. Mặc dù GDP năm 2019 tăng trưởng hơn 6,8%, tăng trưởng điện chỉ gần 9%, tuy có giảm đáng kể so với mức tăng 9,6% của năm 2018, nhưng là do khối công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm trước chứ không phải đến từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng.

Đã rất nhiều lần TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho ý kiến, cần phải định giá năng lượng theo đúng với giá trị của sản phẩm trong nền kinh tế thị trường để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa quan tâm đầu tư vào sản xuất điện, vừa quan tâm tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Việc định giá năng lượng thấp sẽ dẫn đến tiêu dùng lãng phí, sẽ luôn luôn thiếu hụt.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán thiếu hụt điện (Kỳ III): Điểm nghẽn trong "xã hội hoá" lưới truyền tải điện

    03:50, 31/12/2019

  • Giải bài toán thiếu hụt điện (Kỳ II): Nhập khẩu điện liệu có dễ dàng?

    04:00, 30/12/2019

  • Giải bài toán thiếu hụt điện (Kỳ I): Nguy cơ ngay từ năm 2020

    04:00, 27/12/2019

Đồng quan điểm này, TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng chia sẻ thêm, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá.

Theo TS Đoàn Văn Bình, trong khi thủy điện đã tới hạn và khí hậu, thời tiết, biến đổi bất thường, hạn hán khó lường. Việc đầu tư nhiệt điện than hay nhiệt điện khí cũng phải tính đến khả năng đáp ứng nguồn cung nhiên liệu. Việt Nam đã là nước nhập khẩu năng lượng và đã khó khăn trong nhập khẩu năng lượng, thì sẽ nhập ở đâu với nhu cầu lên tới hàng trăm triệu tấn than và nhiều triệu tấn khí.

TS Đoàn Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống năng lượng phải được nhúng vào trong hệ thống kinh tế của Việt Nam. Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đang đứng ở phía cung.

Hiện nay cả nền kinh tế đang đè nặng lên ngành năng lượng. Nền kinh tế chỉ cần biết là năm nay, 5 năm tới phát triển kinh tế là 5% hay 7% và yêu cầu hết 200 triệu TOE năng lượng và yêu cầu là ngành năng lượng phải đáp ứng làm sao đủ 200 triệu TOE ấy.

“Tại sao chưa ai đặt vấn đề là ngành năng lượng giới hạn chỉ được 150 triệu TOE thôi, nền kinh tế phải lựa chọn thông minh như thế nào đó để có sự phát triển tốt nhất trong giới hạn nguồn cung chỉ có thế thôi. Trong bất cứ bài toán kinh tế nào người ta cũng phải đưa ra các ràng buộc. Nhưng chúng ta có lẽ xét quá ít về sự ràng buộc của ngành năng lượng. Nếu tiếp tục cả nền kinh tế cứ đè nặng như thế thì không thể nào đào bới đâu ra đủ năng lượng để đáp ứng cả. Và tôi nghĩ tương lai của ngành năng lượng nếu cứ tiếp tục tiếp cận theo hướng như thế này thì tôi rất ít niềm tin là nó có thể thành công…”, TS Đoàn Trọng Bình nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công suất nguồn điện hiện tại mới đạt 55.000 MW nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã không đáp ứng được. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, hệ thống điện năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000 MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam nếu không có các giải pháp mạnh để buộc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Cấp quota và cần phải có quyết tâm chính trị trong chính sách năng lượng ở Việt Nam”, PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư & Năng lượng bền vững khuyến nghị.

Theo PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, đây là những giải pháp chiến lược mà tất cả các quốc gia phát triển đô thị trong thế kỷ 21 đều phải tính đến. Bởi trong Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia đã thấy sự thiếu hụt năng lượng là gần kề. Do đó, hiệu quả năng lượng trong các đô thị nó gần như là cứu cánh. Bởi vì đến năm 2030, năng lượng dùng cho đô thị phải lên tới 45-50% trong toàn bộ năng lượng sử dụng của Việt Nam.

PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục chỉ rõ, hiện, trong các công trình về đô thị, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng và những tòa nhà có quy mô lớn hàng nghìn người làm việc như hiện nay của Việt Nam thiết kế, khi đưa lên mô phỏng kỹ thuật về năng lượng thì đều thấy rằng chúng ta đang lãng phí từ 40-60% năng lượng.

"Có nghĩa rằng, chúng ta sử dụng để làm mát hay làm nóng thì nó thất thoát năng lượng rất là nhiều, rất là lớn. Và cái này nó không hề có một bộ tiêu chuẩn nào về năng lượng hay là đô thị kiểm soát nó. Thì rõ ràng chúng ta không thể nào để cho các ngôi nhà và toàn bộ đô thị của Việt Nam nó không gắn với chính sách về tiết kiệm năng lượng. Nếu chúng ta không đặt bài toán này thì không thể nào có điện đủ để cung cấp cho đô thị..”, PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.

Anh Duy