Đề xuất giảm giá mua điện mặt trời trên mái nhà
Mỗi kWh các dự án điện mặt trời áp mái sẽ chỉ còn 8,38 cent (tương đương 1.940 đồng), theo dự thảo vừa được Bộ Công Thương hoàn thành.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019, thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, vừa được Bộ Công thương hoàn thiện, trình Thủ tướng, giá các dự án điện mặt trời áp mái có nhiều thay đổi so với các lần đề xuất trước.
Cụ thể, mỗi kWh điện mặt trời áp mái trong bản dự thảo mới nhất giảm về 8,38 cent/kWh (tương đương 1.940 đồng), thấp hơn 0,97 cent so với cơ chế áp dụng theo Quyết định 11 trước đây là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.165 đồng). Mức giá này sẽ áp dụng trong 20 năm cho dự án điện vận hành trong giai đoạn 1/7/2019 - 31/12/2020. Giá chưa gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD.
Tính đến cuối tháng 11/2019 mới có 318 MW điện mặt trời áp mái được vận hành, tập trung chủ yếu khu vực phía nam. Trong các góp ý trước đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã đề nghị tiếp tục giữ mức giá 9,35 cent/kWh đến năm 2021, nhằm khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển. Tuy nhiên, theo quan điểm Bộ Công thương, việc giảm giá điện mặt trời áp mái so với trước cũng nhằm mục đích giảm sức ép tăng giá điện bán lẻ, xu hướng công nghệ đầu tư vào điện mặt trời giá giảm…
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Các doanh nghiệp điện mặt trời áp mái nhận thức rõ cơ hội dành cho lĩnh vực này và đang có chiến lược tập trung khai thác cơ hội.
Hiện, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Việt Nam đã tăng hơn 10 lần, từ mức khoảng 18 MWp vào cuối năm 2018 lên hơn 200 MWp cho tới nay.
Đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường điện mặt trời áp mái Việt Nam xuất phát từ 2 yếu tố chính: thứ nhất, sức hấp dẫn của giá FIT thôi thúc dòng vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; thứ hai, điện mặt trời áp mái thường có khả năng cạnh tranh về giá cao hơn khi so sánh với việc sử dụng điện từ lưới điện.
Hai yếu tố trên đã tạo động lực lớn để các doanh nghiệp phát triển dự án, công ty dịch vụ năng lượng và cả các tổ chức sử dụng năng lượng lớn (thuộc lĩnh vực thương mại và công nghiệp) tham gia sâu hơn vào thị trường điện mặt trời áp mái.
Tuy nhiên, một vấn đề đang được xem là vướng mắc và gây ra nhiều băn khoăn trong cộng đồng nhà đầu tư điện mặt trời là dự án nào sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế giá FIT.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ các dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện, đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 mới tiếp tục được áp dụng giá FIT (mức giá khuyến khích các dự án điện mặt trời).
Theo rà soát của Bộ Công Thương, chỉ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đáp ứng tiêu chí để được áp dụng giá FIT. Có nghĩa, 7 dự án này thuộc diện đã ký hợp đồng mua bán điện và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019. Danh sách này không gồm các dự án trên địa bản tỉnh Ninh Thuận do được áp dụng cơ chế riêng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay còn tới 44 dự án điện mặt trời của nhiều nhà đầu tư với tổng công suất lên đến hơn 3.600 MW đã bổ sung quy hoạch nhưng chưa đi vào vận hành thương mại trước 1/7/2019.
Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có thêm 300 MW công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt. 2.000 MW là tổng công suất điện mặt trời áp mái có thể đạt được đến hết năm 2020. |