Xuất khẩu giày dép, túi xách "ngắm mốc" 24 tỷ USD năm 2020: Có khả thi?
Khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã dần thu hẹp, xuất khẩu trong nước tăng. Đây là tín hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước...
Theo Hiệp hội da – giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), trước nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu, năm 2019 được xem là năm thành công của ngành da giày Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỉ USD, trong đó 18,3 tỉ USD giầy dép và 3,7 tỉ USD túi xách đã đưa kim ngạch xuất khẩu giầy dép tăng 12,8% và xuất khẩu túi xách tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu toàn ngành tăng 12,2%.
Dần thu hẹp khoảng cách
Nhìn lại năm 2019, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso đánh giá, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm giúp ngành da giày mở rộng thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ, với các thị trường tiềm năng như Mexico, Canada, Chile, Peru.
Điều đáng nói, năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu da giày và túi xách lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 7.410 triệu USD, chiếm 36% tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam, tăng 13%. Tiếp đến là xuất khẩu sang EU đạt 5,418 tỷ USD, tăng 7,2%; Trung Quốc đạt 1,776 tỷ USD, tăng 19,3%; thị trường Nhật Bản đạt 1,252 tỷ USD, tăng 13,8%; thị trường Hàn Quốc đạt 672 triệu USD, tăng 15,5% so với năm 2018…
Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng cộng 5 thị trường trên chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam và chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu túi xách của Việt Nam.
Số liệu của Tạp chí Wold Footwear cũng cho biết, trong tổng sản lượng giày dép toàn thế giới năm 2018 ước đạt 24,2 tỷ đôi, Việt Nam đứng thứ 3 với sản lượng đạt khoảng 1,3 tỷ đôi, chiếm 5,4% tổng sản lượng giày dép thế giới.
Trong 10 năm (2008-2018), sản xuất giày dép các loại của Việt Nam tăng trưởng mạnh và thay đổi cơ cấu sản phẩm. Hiện nay, khoảng 95% sản lượng giày dép của Việt Nam là dành cho xuất khẩu. Hầu hết các thương hiệu giày quốc tế lớn như Nike, Adidas, Puma, Reebok, New Balance, Clarks… đều đặt hàng gia công tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của ngành chưa có sự thay đổi nhiều, khi các doanh nghiệp FDI vẫn là trụ cột xuất khẩu chính yếu. 11 tháng năm 2019, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 15,1 tỷ USD giày dép, túi xách, chiếm tỷ trọng 75,8%, trong đó có 12,56 tỷ USD giày dép và 2,45 tỷ USD túi xách.
Như vậy, so với 2 năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện nhẹ (năm 2017 là 80,3%, năm 2018 là 78,4%). Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng lên trong các năm 2018-2019, chiếm 23,5% về giày dép và chiếm 24,2% với túi xách tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
“Khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã dần thu hẹp, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng. Đây là tín hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước", bà Xuân cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Ngành da giày Việt Nam khó "cất cánh"
02:23, 22/11/2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Da giày Việt Nam rơi vào "tầm ngắm"?
11:00, 11/07/2018
Áp lực lớn của ngành da giày Việt Nam
16:30, 15/08/2016
Ngành da giày Việt Nam: Hóa giải thách thức nguyên phụ liệu
10:35, 04/07/2016
Da giầy Việt Nam: Có đủ sức “tự chủ”?
00:00, 07/08/2014
Mục tiêu trở thành ngành mũi nhọn
Các chuyên gia quốc tế nhận định, từ năm 2020 nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung và giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ… sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giầy tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn tăng.
Theo dự báo của Lefaso thì, năm 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình của ngành tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2020 sẽ tăng trưởng 10%, xuất khẩu giày dép sẽ đạt kim ngạch 20 tỷ USD, xuất khẩu vali- túi-ví-cặp các loại đạt 4 tỷ USD.
Các đơn hàng gia công giày dép, túi xách vẫn tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định FTA, thay thế cho sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc.
Ở góc độ nhà nước, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, để giữ vững được tốc độ phát triển của ngành, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, sát cánh cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để tiếp tục đưa ngành da giày trở thành mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu.
Bước sang năm 2020, ông Hưng cho rằng, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, doanh nghiệp da giày cần lưu tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do FTA, những điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.
Do đó, theo ông Hưng, các doanh nghiệp cần phải tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lefaso tiếp tục làm cầu nối tích cực giữa Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp; tham mưu tích cực cho Chính phủ trong việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến ngành da giày và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035…