Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Phát huy sứ mệnh đầu tàu

Trung Thành 12/01/2020 00:00

Vùng KTTTBB đang đứng trước cơ hội to lớn về địa chính trị, địa kinh tế cả nước.

Được đánh như một “ngôi sao đang lên” với những tốc độ bứt phá ngoạn mục về 1 số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tuy nhiên Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTTBB) cần lựa chọn trọng tâm để giữ vững vai trò là một trong hai đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

 Lễ Tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong khuôn khổ Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Lễ Tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong khuôn khổ Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 3 vấn đề: phát triển môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và cần đưa ra các giải pháp giải quyết bài toán về liên kết vùng.

Chính vì vậy, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, Vùng KTTTBB đang đứng trước cơ hội to lớn về địa chính trị, địa kinh tế cả nước. Và để biến cơ hội đó thành hiện thực, trung tâm của phát triển phải là doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân lực chất lượng cao - Nguồn lực phát triển kinh tế cho các tỉnh Bắc Bộ

    12:27, 22/12/2019

  • Liên kết doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    11:27, 22/12/2019

  • Doanh nghiệp góp ý đẩy mạnh liên kết phát triển nông sản vùng kinh tế Bắc Bộ

    11:00, 22/12/2019

  • Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    09:42, 22/12/2019

  • Tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    17:15, 20/12/2019

  • 5 trụ cột phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    17:04, 20/12/2019

  • Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    16:41, 20/12/2019

  • Liên kết doanh nghiệp: “Chìa khoá” phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    15:59, 20/12/2019

  • [Trực tiếp] Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”

    14:01, 20/12/2019

  • Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    11:07, 18/12/2019

Biến cơ hội thành hiện thực

Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Vùng KTTTBB có một vị trí rất thuận lợi về địa lý, giao thông,… ít có vùng kinh tế nào trên cả nước có đến 2 tỉnh, thành hội tụ đủ 5 loại hình giao thông như Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt hạ tầng giao thông Vùng được đánh giá phát triển nhất trong các Vùng kinh tế trọng điểm cả nước.

Các tuyến cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên); đường hàng không trong nước và quốc tế (Sân bay Nội Bài, Sân bay Cát Bi, Sân bay Vân Đồn); các cảng biển quan trọng (Cảng Quốc tế tại Lạch Huyện, Cảng Cái Lân). Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và là đầu mối kết nối vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các vùng kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.

Hơn nữa, đứng thứ 2 về quy mô (sau Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) nhưng Vùng KTTTBB lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất khi chiếm gần 32% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước; thu ngân sách chiếm trên 31% cả nước, xuất khẩu chiếm trên 32%,…

  Mặc dù 7 tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều có điều tiết về ngân sách Trung ương  nhưng sự phát triển của các địa phương trong Vùng vẫn theo hướng… mạnh ai nấy tiến.

“Bởi vậy, làm thế nào để có cơ chế phối hợp theo chiều ngang để tạo ra chuỗi giá trị. Vận mệnh của các tỉnh, thành trong vùng phải được gắn kết chặt chẽ với nhau. Bất cứ sự đột phá nào ở tỉnh, thành này đều lan tỏa sang các địa phương khác. Bởi vậy, sự phối hợp giữa các địa phương là vô cùng cần thiết. Liên kết vùng chính là liên kết giữa các doanh nghiệp. Làm sao các doanh nghiệp lớn có thể liên hệ với nhau, các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành phố ngồi lại với nhau để cùng hợp tác phát triển, tư vấn chính sách, xúc tiến đầu tư…” - TS. Lộc nói.

Vùng KTTTBB hiện chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành trung ương, Hội đồng Vùng KTTĐBB và các địa phương trong vùng chưa toàn diện và thường xuyên. Quy hoạch không gian phát triển Vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét.

Những đề xuất từ doanh nghiệp

Bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng giám đốc tập đoàn FLC chia sẻ: “Tôi có dịp nghiên cứu kinh tế tại Pháp và thấy rằng ở Pháp cũng có 13 vùng nhưng hoạt động vùng lại lại tập trung vào hạ tầng giao thông, quy hoạch, giáo dục… Chúng ta có thể nghiên cứu và phát huy được liên kết vùng tốt hơn trong thời gian tới khi tập trung vào các trọng điểm như vậy. Đó cũng là cách hỗ trợ và cùng doanh nghiệp phát huy được sức mạnh tiềm năng".

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp còn cho rằng chưa rõ cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng này với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty HAPRO cho biết, trong quá trình cung ứng nông sản đi cả nước, Hapro đề nghị các địa phương quan tâm đến sản phẩm của nông dân, của doanh nghiệp và tìm ra một sản phẩm đặc trưng.

Cũng liên quan đến liên kết nhưng ông Bruno Jaspaert, TGĐ Công ty Liên doanh phát triển Đình Vũ lại nhắc tới sự kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng để mong muốn sự liên kết phải thực sự. TGĐ Công ty Liên doanh phát triển Đình Vũ cho rằng, “Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng nếu không biết tận dụng, sẽ không thể phát huy”, ông Jaspaert nhận định.

Để phân tích sâu hơn về câu chuyện này, vị tổng giám đốc này đưa ra một con số không mới như vẫn thực sự gây sốc “hiện chi phí logistics để đưa một container hàng từ Thượng Hải về Hải Phòng mất khoảng 200 USD, trong khi chi phí này từ Hải Phòng đến Hà Nội cũng mất đến 200 USD”.

Đặc biệt, TGĐ Công ty Liên doanh phát triển Đình Vũ cho rằng, nút thắt chính là vấn đề con người. Các khu kinh tế ở miền Bắc đang tập trung nhiều vào ngành điện tử, tuy nhiên kỹ thuật chưa thể đáp ứng được, do đó, cần tập trung phát triển các trường dạy nghề với lớp lao động trẻ tuổi. Nếu chưa thể phát triển hạ tầng, thì trong giai đoạn trước mắt hãy tập trung vào đào tạo và giáo dục con người.

Đồng tình, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đưa ra giải pháp: để quá trình liên kết cùng diễn ra hiệu quả cần phải có Hội đồng doanh nghiệp vùng.

Hơn lúc nào hết, muốn phát triển nền kinh tế Vùng vững mạnh có khả năng cạnh tranh, cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, góp phần giúp kinh tế Vùng trở thành động lực kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng:

Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ tiếp tục phối ho chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng, xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Doãn Toản – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội:

Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; việc triển khai thi hành Luật Thủ đô được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố. Thành phố chú trọng xây dựng các cơ chế phối hợp, hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của Thủ đô Hà Nội nói riêng, các tỉnh, thành phố trong Vùng nói chung.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:

Quảng Ninh có nhiều lợi thế về phát triển cảng biển, trung tâm logistics; sự phát triển của hai lĩnh vực này phụ thuộc lớn vào sự liên kết, kết nối với các địa phương như Hải Phòng…Từ năm 2012, tỉnh đã xác định nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương:

Dù ngành công nghiệp của vùng KTTĐ Bắc Bộ phát triển mạnh với nhiều doanh nghiệp lớn nhưng vẫn chủ yếu thuộc về khu vực FDI. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu ở vai trò gia công, lắp ráp. Vùng này cũng có một số ngành dịch vụ mũi nhọn nhưng không bền vững.

Cần có quan điểm hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu vai trò tổ chức, dẫn dắt, định hướng của các địa phương. Nếu các địa phương mở cửa cho doanh nghiệp thì đó là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp vùng đó.

Trung Thành