"Gỡ khó" cho hạ tầng hàng không

Thy Hằng 16/01/2020 10:16

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan phương án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa đang có dấu hiệu bão hòa vì nút thắt hạ tầng hàng không.

Hạ tầng hàng không đang tắc cả dưới đất lẫn trên trời.

Hạ tầng hàng không đang tắc cả dưới đất lẫn trên trời.

Hạ tầng hàng không đang "cản trở" tăng trưởng ngành

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý. Trên cơ sở đó, lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. 

Trong thời gian Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải hàng không thông suốt, an toàn và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế, những hạn chế về cơ sở hạ tầng vẫn được đánh giá là cản trở sự tăng trưởng của ngành. Năng lực của cơ sở hạ tầng hiện tại đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành.

Bên cạnh sự quá tải của một số nhà ga hành khách trong những năm gần đây, hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay) cũng dần chạm ngưỡng giới hạn, đặc biệt tại 2 sân bay chính là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. 

Ông Lại Xuân Thanh, CEO của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từng khẳng định, toàn hệ thống sân bay đang khai thác vượt xa công suất thiết kế, minh chứng cho sự quá tải của hạ tầng.

Trong khi các sân bay cấp 2 và 3 trong mạng bay Việt Nam còn đang hoạt động phù hợp công suất thì gánh nặng lại đang đè lên các sân bay Đà Nẵng, Nội Bài và đặc biệt là Tân Sơn Nhất.

Sân bay lớn nhất của Việt Nam có công suất thiết kế hiện tại là 28 triệu lượt hành khách/năm nhưng năm 2018 đã tiếp đón hơn 38,3 triệu lượt hành khách. Việc phải gồng mình gánh khoảng 37% lưu lượng hàng không mỗi năm của Việt Nam khiến Tân Sơn Nhất quá tải.

Không chỉ quá tải ở mặt đất, Tân Sơn Nhất cũng đang phải gánh 800-900 lượt cất hạ cánh mỗi ngày, gần bằng công suất cất hạ cánh tối đa.

Việc hai sân bay đầu trục là Tân Sơn Nhất và Nội Bài chưa thể nâng công suất đã kìm hãm tăng trưởng của trục bay vàng TP.HCM - Hà Nội. Đây là trục bay được Tổ chức hàng không có uy tín Official Airline Guide (OAG) đánh giá là trục bay bận rộn thứ 4 trên thế giới trong năm 2019 và là trục bay chủ lực của hàng không Việt Nam.

Cùng với đó, Cục hàng không (CAAV)) cho biết, các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, slot bay tại các khung giờ cao điểm ban ngày tại Tân Sơn Nhất đã được sử dụng hết. CAAV cũng dự báo, vị trí đỗ tàu bay qua đêm, slot bay tại Nội Bài nhiều khả năng sẽ sớm rơi vào trường hợp tương tự khi mà nhu cầu khai thác từ hãng hàng không tăng nhanh trong thời gian tới.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan tới hạ tầng hàng không là đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay nói trên đã xuống cấp sau nhiều năm không được bảo dưỡng lớn. 

Mặc dù công tác bảo dưỡng là rất cấp thiết, tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế đầu tư nên vẫn chưa được triển khai. Bộ Giao thông Vận tải và ACV đã liên tục đề xuất lên Chính phủ nhiều đề án để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế quản lý này để sớm thực hiện công tác bảo trì. 

Chuyên gia nhận định, nhiều ông lớn như Vingroup rút lui khỏi thị trường hàng không đang cho thấy sự kém hấp dẫn và dấu hiệu giảm tốc trong tăng trưởng của ngành thời gian tới. 

Có thể bạn quan tâm

  • Những "tay chơi mới" thay đổi thị phần hàng không 2019 ra sao?

    00:00, 14/01/2020

  • Hạ tầng hàng không: Tắc cả trên trời, dưới đất

    02:10, 04/01/2020

  • Đua nhau giảm giá sốc, doanh nghiệp hàng không có lỗ?

    15:00, 11/12/2019

  • Xã hội hoá hạ tầng hàng không: Danh phận “mập mờ”, tư nhân kêu chịu thiệt

    11:00, 11/12/2019

  • Đầu tư ngành hàng không: "Cửa hẹp" cho tư nhân?

    09:00, 11/12/2019

  • Phát triển hạ tầng hàng không: Chuyên gia nói chưa thấy tinh thần xã hội hoá

    00:00, 10/12/2019

  • Xã hội hoá hạ tầng hàng không...10 năm vẫn bỏ ngỏ

    14:42, 09/12/2019

Xã hội hoá “dễ nói - khó làm” 

Trong khi những điểm nghẽn về hạ tầng hàng không vẫn chưa tìm được câu trả lời, nhiều đề xuất xã hội hoá hạ tầng hàng không đã được đưa ra. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng hạ tầng hàng không liên quan vấn đề an ninh quốc phòng do đó cần nhà nước đầu tư quản lý.

Những quan điểm vẫn chưa được thống nhất khiến xã hội hoá hạ tầng hàng không vẫn dừng ở chủ trương nhiều hơn là thực tế trong gần 10 năm nay. 

Ủng hộ xã hội hoá, Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, Chính phủ cần có chính sách và biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ trong việc xã hội hoá đầu tư hạ tầng sân bay, biến từ lời nói thành hành động.

"Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất loay hoay 4-5 năm nay đề xuất giao cho ACV nhưng vẫn chưa động thổ được. Nếu mạnh dạn giao dự án này cho tư nhân thì nhà ga T3 có thể đã đi vào hoạt động từ lâu", ông Nam dẫn chứng.

Cùng quan điểm, ông Chu Việt Cường, đại diện hãng hàng không Vietjet cũng cho rằng, không nên chăm chăm chờ vốn nhà nước, việc cho phép tư nhân tham gia phát triển hạ tầng sẽ giúp giải bài toán đầu tư cảng hàng không. 

Theo ông Chu Việt Cường, hiện nay Việt Nam có 22 săn bay thương mại, 4 sân bay lớn nhưng hiện tại đều rất quá tải. Vì vậy xã hội hóa nguồn vốn là một giải pháp quan trọng.

“Chúng tôi cũng có nhiều suy nghĩ, chúng ta phải xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng sân bay. Đồng thời nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều phối bay. Chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ các nước, đóng góp của tư nhân vào xây dựng hạ tầng hàng không là rất quan trọng. Bên cạnh ta, như Thái Lan Bangkok Airway cũng là của tư nhân, chính sách của Mỹ cũng áp dụng hình thức công tư, hay Anh, Hàn Quốc đều áp dụng chính sách để tư nhân quản lý các sân bay để nâng tính hiệu quả trong đầu tư hạ tầng hàng không”, vị đại diện Vietjet Air nhấn mạnh.

Thy Hằng