Xơ sợi nhân tạo của Việt Nam bị điều tra vì nghi bán phá giá
Hiệp hội sản xuất sợi nhân tạo Ấn Độ đã cáo buộc lên DGTR rằng sợi nhân tạo có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam bán phá giá vào Ấn Độ.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo, có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, nguyên đơn là Hiệp hội sản xuất sợi nhân tạo Ấn Độ đã có cáo buộc lên DGTR, cho rằng sản phẩm sợi VSY nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã bán phá giá vào Ấn Độ. Tình trạng này là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ (về sản xuất, bán hàng và lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền).
Phía nguyên đơn yêu cầu DGTR điều tra các sản phẩm sợi làm từ xơ sợi staple nhân tạo có các mã HS: 5510.11.10; 5510.12.10; 5510.11.90; 5510.90.10; 5510.90.90 trong thời gian 9 tháng, từ ngày 1/4 - 31/12/2019 và thời gian bán phá giá và gây thiệt hại trong 4 năm, từ năm 2016-2019.
Phía DGTR đề nghị các bên liên quan (bao gồm Chính phủ nước bị điều tra, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hàng hoá bị điều tra…) có thể gửi thông tin, bình luận/lập luận bằng văn bản, bản trả lời câu hỏi tới cơ quan điều tra (DGTR) trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo khởi xướng, chậm nhất là ngày 19/2/2020.
Trong trường hợp không nhận được thông tin trong thời hạn quy định, hoặc các thông tin không hoàn chỉnh hay không được nộp theo đúng quy định, hoặc một bên liên quan cản trở đáng kể hoạt động điều tra, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn để tính toán mức thuế chống bán phá giá.
Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ cho DGTR trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại quá trình xử lý vụ việc.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%).
Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm 56%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (33 vụ, chiếm 21%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (15 vụ việc, chiếm 10 %).
Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,… để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nhằm ứng phó với các hệ quả phát sinh, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững các Hiệp định FTA, đầu tháng 7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824).
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị Quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.