[Triển vọng ngành 2020]: Những khó khăn tiếp tục làm giảm tăng trưởng ngành dệt may
Nhóm phân tích CTCK SSI ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 6,4%-7,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tăng trưởng thấp so với kế hoạch
Theo Vinatex, nhu cầu dệt may thế giới tăng 3,3% YoY trong năm 2019 (năm 2018 là 7,4% YoY), trong đó xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) trong khi xuất khẩu của Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam tăng lần lượt là 1,4% YoY, 2,4% YoY và 7,3% YoY.
Theo Văn phòng dệt may Hoa Kỳ (OTEXA), nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ ước tính tăng 3% YoY trong năm 2019. Trong 11 tháng 2019, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc sang Mỹ giảm 6,6% YoY, trong khi xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng 10% YoY.
Trong giai đoạn 2018-2019, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 11,8% lên 12,8%, trong khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 36,4% còn 33,4%. Khác với Việt Nam, xuất khẩu của Bangladesh và Campuchia sang Hoa Kỳ cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ đạt 9,9% YoY và 19,5% YoY, tuy nhiên thị phần nhập khẩu sang Mỹ vẫn thấp hơn Việt Nam, lần lượt đạt 5,5% và 2,7%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước tính đạt 39 tỷ USD trong năm 2019 (+7,3% YoY), thấp hơn so với kế hoạch của cả nước là 40 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn mức đã đạt được trong 2 năm qua (2017: 10,8% YoY và 2018: 16% YoY).
Trong năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác chỉ đạt mức tăng trưởng một con số, trong đó thị trường tăng trưởng cao nhất là Mỹ, đạt 8,9% YoY. Theo Vinatex, nhu cầu thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Các công ty sản xuất trong nước cho biết sản lượng mỗi đơn hàng giảm, khách hàng không còn đặt hàng trước 3-6 tháng như trước, và giá cả trở nên cạnh tranh hơn. SSI dự đoán xu hướng này còn tiếp tục diễn ra ít nhất đến quý 2/2020.
Khối các doanh nghiệp FDI (chịu trách nhiệm cho khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam) cũng có hiệu suất thấp, với doanh thu thấp hơn ước tính do giá bông toàn cầu giảm nhanh, và khách hàng thận trọng đặt hàng hơn do lo ngại về chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu từ FDI có thể vẫn được hưởng lợi từ hội nhập (một phần sợi và vải tự cung cấp), do đó ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn so với các công ty Việt Nam thuần túy. Tuy nhiên, hầu hết các công ty mong đợi các đơn hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020.
Trong 11 tháng 2019, ngành dệt may thu hút được 1,5 tỷ USD vốn FDI. Có dòng vốn đầu tư ngày càng tăng vào phân ngành sợi và sợi màu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Một số công ty dệt may địa phương nhỏ hơn ghi nhận kết quả kinh doanh hỗn hợp, nhưng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá bán bình quân giảm (giá sợi thô giảm 15% YoY) và sản lượng trên mỗi đơn hàng nhỏ (giảm 10% YoY cho sợi thô) do chiến tranh thương mại. TCM bị ảnh hưởng đáng kể do nhu cầu sợi bông từ Trung Quốc, trong khi STK có thể bù đắp được lợi nhuận của sợi tái chế do sợi polyester giảm. MSH ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 31% YoY, MSH vẫn là một trong những công ty sản xuất hàng may mặc lớn trong ngành.
Dự báo xu hướng tăng trưởng 2020
The McKinsey Global Fashion Index dự đoán doanh thu ngành thời trang thế giới sẽ tăng 3-4% YoY trong năm 2020, so với mức 3,5-4,5% YoY trong năm 2019. Mức dự báo thấp hơn phản ánh người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong bối cảnh bất ổn về nền kinh tế vĩ mô lớn hơn và những đe dọa từ chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra. Tại thị trường Mỹ và EU, tâm lý người tiêu dùng bất ổn trong khi ở thị trường mới nổi Châu Á-Thái Bình Dương tương đối mạnh nhưng tăng trưởng cũng giảm dần. Lợi ích kinh tế sẽ tiếp tục chảy vào một nhóm nhỏ các công ty hàng đầu được lựa chọn, trong khi các công ty tầm trung càng càng bị chèn ép.
Đối với Việt Nam, SSI ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 6,4%-7,7% YoY). VGT và các chi nhánh đặt mục tiêu hoàn thành 50,9 nghìn tỷ đồng doanh thu (+3,5% YoY) và 1,55 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+11,3% YoY). Theo VITAS, hầu hết các công ty vẫn đang đàm phán cho các đơn hàng đến quý 2/2020 (chủ yếu là do cạnh tranh về giá), không giống các năm trước.
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành được nhóm phân tích đưa ra là có thể được đẩy nhanh khi các đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các thị trường mới được hưởng lợi từ CPTPP như Canada và Australia.
Tuy nhiên, ngành dệt may tiếp tục gặp các vấn đề và rủi ro. Mức lương tối thiểu tiếp tục tăng khoảng 5,1%-5,7% trong năm 2020, với tốc độ tương tự như mức tăng năm 2019. Theo VITAS, Việt Nam đã nâng mức lương tối thiểu lên 12 lần kể từ năm 2008. Khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư FDI dịch chuyển và thành lập tại Việt Nam, khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư FDI, đẩy lạm phát tiền lương cao hơn và ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty. Ngoài ra, chi phí điện và chi phí vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (60%) máy móc, nguyên vật liệu và phụ kiện. Với các quy định khó khăn về nguồn gốc từ CPTPP (sợi chuyển tiếp) và EVFTA (vải chuyển tiếp), các công ty may mặc không có chuỗi giá trị tích hợp đầy đủ ở Việt Nam sẽ không nhận thấy tác động ngay lập tức, vì các công ty này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc.