[Công dân toàn cầu] (Kỳ 1) Giấc mơ “hội nhập giáo dục”
Giáo dục đại học đã trở thành đối tượng xuất khẩu. Đó là một đặc điểm của thời đại, vừa đáng mừng vừa đáng lo.
Ai là người xây dựng chính xác chiến lược xuất khẩu dịch vụ giáo dục, người ấy chiến thắng. Bởi trong xu hướng cạnh tranh đó phải tìm được cách để “thiên hạ” đến với mình.
Việt Nam đang...nhập siêu giáo dục
Theo thống kê của Việt Nam hiện nay có khoảng 110.000 đến 125.000 du học sinh đang học ở nước ngoài. Mỗi năm người Việt chi ước chừng khoảng 3 tỷ đô la (USD) cho con du học. Trong khi đó, chỉ có 3.000 du học sinh các nước đang học tại Việt Nam. Nếu nhìn giáo dục như một nền kinh tế thì chúng ta đang nhập siêu giáo dục. Tổng số sinh viên Việt Nam hiện nay là 2,4 triệu và chi phí hàng năm để đào tạo số lượng sinh viên này là 1,7 tỷ USD - 2 tỷ USD.
Ngoài chảy máu tiền tệ, chất xám, chúng ta còn để chảy máu lòng tin về giáo dục nước nhà. Ðiều này phản ánh một thực trạng “thị trường” giáo dục của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước. Một nền giáo dục không hấp thụ được học sinh thì đó là một nền giáo dục thiếu hội nhập.
Xuất khẩu giáo dục là điều được nhắc đến nhiều lần ở những bàn tròn giáo dục khác nhau tại Việt Nam. Nhiều đơn vị, cũng đã từng bước đi thử nghiệm, chẳng hạn đại học FPT ra sức “kéo” các du học sinh từ các nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc đến học tại trường này tại Việt Nam. Không chỉ có FPT, tại Việt nam, một số trường Đại học đã đi tiên phong từ nhiều năm nay trong việc mở rộng liên kết đào tạo, tuyển sinh sinh viên quốc tế như: Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Quốc gia, Đại học Khoa học và công nghệ, Hutech…
Chúng ta đang sống trong điều kiện nền kinh tế tri thức. Vốn con người là tài nguyên chính của bất cứ đất nước nào. Nó còn quan trọng hơn cả dầu khí, rừng, than đá, vàng...
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 4 trường Đại học có vốn 100% nước ngoài là RMIT (Úc), Trường Đại học Anh, Đại học Y khoa Tokyo, Đại học FullBright. Tuy nhiên cũng chưa có một tổng kết cụ thể nào về lợi ích của những khóa liên kết đào tạo hoặc các đầu tư giáo dục nước ngoài vào Việt Nam đã mang lại được cho nền kinh tế Việt Nam.
TS. Ðàm Quang Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân ngoài công việc của một giảng viên, một nhà quản lý, anh luôn đặt cho mình một mục tiêu để nghiên cứu. Dù chất lượng giáo dục ÐH Việt Nam còn nhiều điều chưa ổn, nhưng từ năm 2014, khi còn là hiệu trưởng trường Đại học FPT, TS. Ðàm Quang Minh đã nghĩ đến giấc mơ xuất khẩu giáo dục.
Sau một thời gian vật lộn trên “thương trường” giáo dục quốc tế, anh nhận thấy du học sinh chọn quốc gia rồi mới chọn trường ÐH. Tức là chọn uy tín giáo dục của một quốc gia rồi mới đến uy tín của một trường ÐH. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu quốc gia giáo dục cho Việt Nam, không gì khác là các trường ÐH của Việt Nam phải tích cực “xuất hiện” tại các diễn đàn lớn trên thế giới về giáo dục. Những năm vừa qua, TS. Minh cùng một số chuyên gia giáo dục đã vận động một số trường tham gia vào nhóm toàn cầu hóa giáo dục của QS (Quacquarelli Symonds – tổ chức giáo dục chuyên về đánh giá, xếp hạng các trường ÐH trên thế giới).
Anh mong muốn thời gian tới, làm sao có được từ hơn 10 trường đến 20 trường ÐH sẵn sàng tham gia nhóm toàn cầu hóa giáo dục của QS. Theo TS. Minh, các trường ÐH công lập của Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình. Mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi hệ thống chính sách đối với trường công. Ví dụ như có chỉ tiêu nhất định cho việc này; thay đổi áp đặt yêu cầu cao với chương trình đào tạo. Không thể nói quốc tế hóa giáo dục mà chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Phải có chính sách để có được giảng viên nước ngoài… rồi mới nói đến chuyện có sinh viên quốc tế.
Xây dựng “cứ điểm” giáo dục mới
Với câu chuyện xuất khẩu giáo dục, bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia đã mua lại toàn bộ franchise của Arkki Phần Lan ở vùng Đông Nam Á?
Khi khai trương Trung tâm STEM của Thái Lan, bà nói trong phần chia sẻ của mình: “We build job creators, not job seekers – Chúng tôi xây dựng một thế hệ tạo ra việc làm, không đi tìm việc…”.
Nhưng vị nữ doanh nhân này vẫn không dứt ra được câu hỏi: “Sao phải là Arkki Phần Lan, mà không là một chương trình STEM nào đó của Việt Nam? Đủ tốt mà. Đủ thú vị mà. Đủ sáng tạo mà…”.
Bởi mỗi năm chúng ta vẫn tiếp tục chi ra rất nhiều tiền để các bạn trẻ - và cả không còn trẻ - đi du học. Bao nhiêu phần trăm trong số này quay về, bao nhiêu ở lại với những cống hiến tốt hơn cho Việt Nam.
Bởi hơn lúc nào hết thực trạng “nhập khẩu giáo dục” đang ngày càng tăng. Từ các chương trình liên kết đào tạo, các chương trình chính khóa, các chương trình ngoại khóa lẫn các chương trình… vô thưởng vô phạt, cách làm hiệu quả nhất đối với nhà đầu tư giáo dục chính là nhập khẩu.
Việc thu hút sinh viên quốc tế, hay còn gọi là xuất khẩu giáo dục với Việt Nam trước kia vốn được xem là việc xa vời. Nhưng, những điều kiện mới, bối cảnh mới đang đem đến cho chúng ta nhiều điều kiện để trở thành một điểm đến mới của sinh viên quốc tế. Vì vậy, thu hút sinh viên quốc tế không nên xem là việc của từng trường đại học đơn lẻ mà nên nhìn điều này như một chiến lược cấp quốc gia...
Với nghị quyết về cải cách triệt để giáo dục, Việt Nam đã tỏ rõ lòng quyết tâm đưa giáo dục Việt Nam hội nhập cùng thế giới.
Vậy là hướng tới xuất khẩu giáo dục - tại sao không !