Kích hoạt “làn sóng” FDI chất lượng cao

Quốc Anh 26/01/2020 11:02

Việt Nam đang đứng trước cơ hội "thập kỷ có một" trong thu hút FDI năm 2020. Nhưng điều này cũng không hề dễ dàng nếu như không có những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư.

10 lĩnh vực thu hút vốn FDI nhất năm 2019

10 lĩnh vực thu hút vốn FDI nhất năm 2019

Phải nhắc ngay tới những cơ hội mới đến từ các chính sách thu hút FDI của Việt Nam khi nhiều FTA thế hệ mới được ký kết. Đặc biệt, hôm 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Tấp lập tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư

Theo dự kiến, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực và chắc chắn điều này sẽ có tác động rất lớn tới dòng vốn FDI của EU vào Việt Nam trong năm 2020 này.

Theo Bộ KH&ĐT, mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ: tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trở lại với bức tranh tổng thể thu hút FDI thời gian qua, theo tính toán của Bộ KHĐT, năm 2019 các phái đoàn đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam tăng khoảng 30% so với 2018. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore. Bộ KH&ĐT đã tổ chức nhiều buổi đối thoại chính sách, tọa đàm với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Ấn Độ,....trong năm 2019.

Thực tế thì, nhiều nhà đầu tư thậm chí đã nhanh chân chớp thời cơ để gia tăng đầu tư cũng như triển khai các dự án lớn. Đứng đầu trong số những dự án “khủng” phải kể tới dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp lêm tới 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Tiếp đến là dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất và Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng tại TP Hồ Chí Minh

Một dự án cũng được giới đầu tư nhắc tới và nằm trong danh sách những dự án khủng là dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD với mục tiêu xây dựng trường đua ngựa; tổ chức hoạt động đua ngựa; tổ chức đặt cược đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội…

Ngoài ra cũng phải kể tới các dự án khác như: Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập), tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với mục tiêu thực hiện dịch vụ đại lý lữ hành - Điều hành tour du lịch và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp khác cho vận tải hàng không…

Năm qua cũng được xem là năm các dự án đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần tăng vọt. Đơn cử như Hà Nội, tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Riêng vốn theo phương thức góp vốn, mua cổ phần với 6,47 tỷ USD, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội. Tương tự, TP Hồ Chí Minh tỉ lệ nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần chiếm 67,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Thành phố và chiếm 58,1% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của cả nước. 

2020 sẽ bùng nổ các dự án tỷ đô?

Kinh tế vĩ mô ổn định với nhiều chính sách thông thoáng sẽ là

Kinh tế vĩ mô ổn định với nhiều chính sách thông thoáng sẽ là "đòn bẩy" quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến trong năm 2020 của các nhà đầu tư lớn trên thế giới

Sở dĩ phân tích những con số và các dự án khủng 2019 để thấy rằng năm 2020 “làn sóng” này sẽ tiếp tục gia tăng khi mà ngay đầu năm 2020, Chính phủ đã có nhiều động thái cải cách môi trường đầu tư, trong đó phải kể đến ngay những ngày đầu tiên của năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Theo các chuyên gia, dự báo tốc độ tăng vốn FDI năm 2020 thực hiện 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ được gia tăng.

Bên cạnh đó, với môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện cùng những định hướng, chính sách mới về FDI, Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ là điểm đến đầu tư được quan tâm trong năm 2020.

Các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm: nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ); nhóm hàng chế biến và giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, vật liệu xây dựng); và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft…

Một cuộc thăm dò của Công ty NNA Nhật Bản, một công ty thuộc tập đoàn Tin tức Kyodo hồi cuối năm 2019 cho thấy,  trong số 820 phản hồi hợp lệ, 41,2% nhận định Việt Nam là điểm đến hứa hẹn nhất ở châu Á dựa trên các yếu tố như: có tiềm năng là một thị trường đang phát triển và nguồn cung cấp lớn lao động có kỹ năng và chi phí thấp.

TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia về FDI dự báo, số lượng các doanh nghiệp SME nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ở những ngành có thâm dụng lao động, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ tư vấn… “Năm nay cũng sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư những dự án quy mô hàng tỉ USD trong công nghiệp công nghệ cáo, công nghệ tương lai, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội…” - GS Mại nói.

Tuy nhiên, qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành trong năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều giữa các lĩnh vực.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh: theo điều tra doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%. Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan ngại về những thay đổi liên quan đến chính sách thuế. Sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao, đặc biệt là trường hợp của thuế tiêu thụ đặc biệt, thực sự ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp là đối tượng của loại thuế này mà còn đối với rất nhiêu ngành công nghiệp có liên quan cũng như toàn nền kinh tế.

Vì vậy, để tận dụng được các cơ hội thu hút đầu tư năm 2020, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các Nghị quyết, chỉ thị… thì các địa phương cũng cần có những thay đổi về cách tiếp cận nhà đầu tư, cũng như gia tăng các ưu đãi riêng của địa phương. Đây sẽ là những “đòn bẩy” quan trọng trong thu hút FDI năm 2020.

Amanda Rasmussen - Giám đốc vận hành tập đoàn ITL (Hoa Kỳ): Đẩy mạnh phát triển dịch vụ Tài chính và Công nghệ Tài chính

Sự phát triển của dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định mà trong đó hỗ trợ cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam.

Ví dụ, việc thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu cho sự đổi mới, thành phố thông minh và Công nghiệp 4.0. Các dịch vụ đó và công nghệ hỗ trợ kèm theo đến từ các công ty tài chính công nghệ nước ngoài lớn mà hiện nay đang hoạt động và đầu tư vào Việt Nam. Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực.

Nhìn chung, các hạn chế này có thể gây trở ngại lớn cho việc phát triển lĩnh vực này và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cho phép dịch vụ công nghệ tài chính đóng góp vào nền công nghệ, tính sáng tạo và tài chính toàn diện của Việt Nam.

Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham): Mong muốn có thêm giấy phép ngân hàng tại Việt Nam

Nhiều công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Việt Nam. Đến nay, khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Các công ty Hàn Quốc đang nhanh chóng mở rộng các khu vực đầu tư từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng ngoại ô khác (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương, v.v.) sang các khu vực miền Trung như Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Để các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ổn định, việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết. Vì doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ và muốn nhận thông tin địa phương và tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ,...) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tư số 1 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 61,7 tỷ đô la kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong số đó, 71,5% khoản đầu tư được thực hiện bởi các công ty công nghệ và sản xuất, và họ chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp địa phương, vì vậy chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này.

Quốc Anh