"Cởi trói" để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá

Thy Hằng - Hồng Minh thực hiện 27/01/2020 13:15

Mặc dù chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, tuy nhiên DNNVV hiện mới chỉ phát triển theo chiều rộng, đồng thời quá trình phát triển còn gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Trong không khí cả nước chào đón Xuân Canh Tý, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đã có những chia sẻ, cũng như kỳ vọng về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cả nước nói chung và DNNVV thủ đô nói riêng.

-Thưa ông, ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm qua? Những yếu tố được xem là thuận lợi đã hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV phát triển là gì?

Phải khẳng định, môi trường kinh doanh tại Việt Nam liên tục được cải thiện. Đơn cử đó là việc gia nhập thị trường, tiếp cận điện năng ngày càng dễ dàng hơn. Việc nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi và nhanh chóng.

Cùng với đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đã cơ bản được đổi mới, theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, với nhiều loại hàng hóa...

-Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phản hồi là còn nhiều rào cản, khó khăn, thưa ông?

Đúng vậy. Nhiều báo cáo đánh giá cho thấy còn nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt với DNNVV, Luật hỗ trợ DNNVV đã đi vào cuộc sống 2 năm vừa qua, nhưng chúng tôi đánh giá việc áp dụng luật này để đi vào cuộc sống và hỗ trợ nhiều và cũng chưa được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. 

Thực tế, báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, thì chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và đang bị bỏ lại khá xa so với Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).

Có thể nhận thấy có một số dấu hiệu đáng quan ngại về sự chững lại của tiến trình cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bản thân hiệp hội đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp làm ăn tử tế, phát triển mạnh mẽ, nhưng có lúc bị dồn vào đường cùng bởi quyết định hành chính sai. Trình tự thủ tục đầu tư rườm rà, không nhất quán tại một số địa phương đã khiến tiến độ thực hiện một số dự án bị chậm trễ. 

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng gặp khó về khả năng dự đoán thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục, các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, doanh nghiệp cần những chính sách ổn định lâu dài, minh bạch, dễ dự báo, áp dụng nhất quán để yên tâm sản xuất kinh doanh.

Mặc dù có sự cải thiện, song việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là một vấn đề đáng quan ngại nữa đối với các doanh nghiệp khi chỉ có 57,5% doanh nghiệp cho biết họ không phải đi lại nhiều lần.

Các doanh nghiệp cho biết, xin giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần, cụ thể trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục. Doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 34% doanh nghiệp trong số này cho biết, họ gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện.

-Những khó khăn không chỉ dừng ở vấn đề thủ tục hành chính, thưa ông?

Không chỉ là thủ tục hành chính, việc tiếp cận tín dụng cũng là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Có 86% doanh nghiệp cho rằng buộc phải có tài sản thế chấp mới có thể vay vốn, trong khi đó, 63% doanh nghiệp gặp khó về mức lãi suất và điều kiện cho vay.

Đáng chú ý vẫn có 39% doanh nghiệp cho biết phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.

Hoạt động thanh, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, cán bộ suy diễn bất lợi cho họ và 30% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Môi trường kinh doanh bất động sản hiện nay vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Ví dụ, cùng một mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án ở TPHCM lại vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng? Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.

Có thể bạn quan tâm

  • "Gỡ vướng" để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống

    11:50, 18/12/2019

  • DNNVV giải bài toán phát triển bền vững thế nào?

    00:00, 13/11/2019

  • DNNVV đối mặt ra sao với chuyển đổi số?

    00:48, 23/07/2019

  • Hà Nội: Cần "trải thảm đỏ" hơn nữa cho các DNNVV, FDI

    16:35, 08/07/2019

  • Giảm thuế thu nhập cho DNNVV mức 15-17% là chưa "cởi mở hầu bao"

    07:12, 11/04/2019

  • Đẩy nhanh tiến trình số hóa của các DNNVV

    00:05, 05/04/2019

-Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?

Nguyên nhân được xác định do hệ thống pháp luật chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu “Luật khung – Luật ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành…

Đặc biệt, khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật. Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm ra, bất cập. Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế và tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.

-Vậy ông có kiến nghị giải pháp trọng tâm gì cho vấn đề này, thưa ông?

Thứ nhất, hệ thống thể chế cần ổn định, rõ ràng, cụ thể và có sự tiên đoán trước, tránh sự chồng chéo, không đồng nhất giữa các cấp. Thứ hai, phần tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh cần rõ ràng, minh bạch. Nếu nền hành chính còn tiếp tục cơ chế “xin – cho” nhiều hơn là quan hệ thị trường và năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt vừa không muốn lớn vừa sợ lớn.

Do đó, chúng tôi đề nghị tiếp tục cải cách thể thế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng. Bởi vậy, nhà nước cần ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân liên doanh, liên kết, mua cổ phần của các DNNN mà nhà nước không cần nắm giữ.

Doanh nghiệp tư nhân Việt hiện bị gò bó bởi nhiều rào cản nên rất cần những tư tưởng mới để cởi trói, trỗi dậy.

-Xin cảm ơn ông!

Thy Hằng - Hồng Minh thực hiện