Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona (Kỳ II): Tăng cường chế biến, lưu kho

Thy Hằng 03/02/2020 11:00

Dự kiến, chiều ngày 3/2, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ họp bàn giải pháp nhằm huy động các hệ thống siêu thị, bán lẻ tăng cường tiêu thụ nội địa.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, nhằm thắt chặt việc phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona, từ ngày 27/1/2020, Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết đến hết ngày mồng 9 Tết (tức ngày 2/2/2020). 

125 container hoa quả, chủ yếu là thanh long chưa được thông quan đang chờ ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

125 container hoa quả, chủ yếu là thanh long chưa được thông quan đang chờ ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: NNVN

Hạn chế nhập khẩu thêm một số mặt hàng

Cụ thể, các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma các hoạt động sẽ tạm dừng đến ngày 2/2 theo chính sách chung của Trung Quốc, kéo dài kỷ nghỉ Tết âm lịch thêm 3 ngày. Với các cửa khẩu phụ, lối mở, dự kiến sẽ ngừng hoạt động đến ngày 9/2, sau đó sẽ có phương án tùy vào tình hình của dịch Corona.

Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn cũng cho thấy, trong thời gian từ ngày 22/1 (ngày 28 Tết) đến hết ngày 28/1 (ngày mùng 4 Tết) các đơn vị cửa khẩu đã làm thủ tục cho 22.432 lượt hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và cửa khẩu Chi Ma. Con số này giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2019). 

Các đơn vị cửa khẩu cũng đã làm thủ tục cho 242 bộ tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu với kim ngạch đạt 4,7 triệu USD, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản Việt “gặp hạn” vì dịch viêm phổi corona

    14:00, 02/02/2020

  • Doanh nghiệp nông sản cần chuyển hướng xuất khẩu nếu dịch bệnh virus Corona kéo dài

    00:04, 30/01/2020

  • Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu VNM vì cúm Corona

    05:42, 02/02/2020

  • Việt Nam công bố dịch với viêm đường hô hấp chủng virus corona

    16:00, 01/02/2020

  • Quản lý thị trường xử lý cơ sở "thổi giá" khẩu trang giữa tâm dịch viêm phổi corona

    14:24, 01/02/2020

Đáng nói, hiện ở cửa khẩu Tân Thanh có 125 xe container hoa quả chưa thể xuất đi Trung Quốc, chủ yếu là mặt hàng thanh long. Các chủ hàng và tài xế cho biết bắt đầu đến Lạng Sơn từ mùng 1 Tết Canh Tý với dự định sẽ xuất hàng vào 7-8 tháng Giêng nhưng bây giờ đang phải chờ đợi chính sách biên giới, chưa biết đến khi nào mới xuất được hàng để quay đầu. 

Không chỉ với mặt hàng hoa quả xuất khẩu, trong báo cáo số 28/BC-UBND của Lạng Sơn gửi Thủ tướng còn cho biết, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn cũng không loại trừ phía Trung Quốc và Quảng Tây sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, có thể là hạn chế nhập khẩu bao gồm cả nhập khẩu theo hình thức thương mại chính quy đối với các mặt hàng có khả năng tác động đến tình hình kiểm soát dịch virus corona tại Trung Quốc hoặc các biện pháp có ảnh hưởng mạnh hơn đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây.

Đề nghị doanh nghiệp tăng cường chế biến, lưu kho

Trước việc ảnh hưởng bất khả kháng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp virus corona, hiện Bộ NN-PTNT đã và đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, trước hết là rà soát toàn bộ hệ thống và năng lực kho lạnh có khả năng dự trữ, bảo quản mặt hàng thanh long. Qua rà soát cho thấy hiện hệ thống kho lạnh trọng điểm tại phía Nam công suất chưa lớn. Riêng tỉnh Long An có 154 cơ sở sơ chế đóng gói trái cây nhưng hệ thống kho lạnh chỉ đáp ứng được cho nhu cầu dự trữ khoảng 12.000 tấn...

Vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc và có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chế biến nông sản tăng cường công suất, thu mua, chế biến, lưu kho mặt hàng thanh long nhằm giảm áp lực nguồn tiêu thụ cho nông dân, xem đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh khâu chế biến cho nông sản Việt Nam.

Thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Bộ Công thương rà soát hệ thống các doanh nghiệp logistic nhằm huy động, tận dụng tối đa các hệ thống kho lạnh tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây dự trữ mặt hàng thanh long nói riêng cũng như các mặt hàng khác.

Dự kiến, chiều ngày 3/2 hai bộ cũng sẽ sớm họp bàn giải pháp nhằm huy động các hệ thống siêu thị, bán lẻ tăng cường tiêu thụ nội địa.

Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ. Song song đó, Bộ cũng khuyến cáo bà con nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong làm ăn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro.

Về giải pháp lâu dài, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trước mắt, trong khuôn khổ Hội chợ GULFOOD Dubai tại UAE vào giữa tháng 2/2020 tới, đoàn Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội mở rộng, tìm kiếm bạn hàng do đây là một sự kiện nằm trong top đầu các hội chợ chuyên ngành thực phẩm, nông sản trên thế giới và lớn nhất tại Trung Đông.

Thy Hằng