Ngành du lịch Việt "khủng hoảng" chỉ sau Trung Quốc vì virus corona

Bảo Loan 07/02/2020 13:18

Đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2019 thì đầu năm 2020 du lịch Việt ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus corona gây ra.

Tương lai ảm đạm của ngành du lịch Việt

Dịch viêm phổi do virus corona đang gây thiệt hại nặng nề và dự báo một tương lai ảm đạm cho các công ty du lịch Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sự bùng phát dịch bệnh do virus corona được dự đoán sẽ gây thiệt hại không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn, gây sụt giảm nặng nề lượng khách đến từ Trung Quốc.

Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Còn theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch… là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Vòng xoáy” cúm corona: Doanh nghiệp Nghệ An, Hà Tĩnh “lao đao”

    00:00, 08/02/2020

  • Đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất của “đại dịch corona”

    15:00, 07/02/2020

  • Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới

    11:36, 07/02/2020

  • VTR “phát sốt” vì dịch cúm Corona

    11:00, 07/02/2020

  • Từ sự cố Corona - tương lai về đâu nếu cứ mãi vô minh?

    06:00, 07/02/2020

  • Cần thêm cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm corona

    05:30, 07/02/2020

  • Chế độ nghỉ đối với người lao động bị cách ly do nghi nhiễm virut corona

    04:30, 07/02/2020

  • Cổ phiếu ngành bia giảm mạnh vì dịch cúm corona

    04:00, 07/02/2020

Hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc “khủng hoảng" tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt chia sẻ: “Không chỉ thiệt hại về tour Trung Quốc, ngay cả các tour đi nước ngoài (outbound) hoặc đi trong nước (inbound) cũng bị hủy. Cho tới nay, số lượng khách hủy tour là một con số chưa từng có trong ngành du lịch. Đối với một công ty lớn như chúng tôi, gần 500 nhân viên ngồi chơi vì hầu như không có khách mà vẫn phải trả lương. Chúng tôi không có ý định cho nhân viên nghỉ việc mà ban lãnh đạo công ty vẫn động viên nhân viên cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”.

Theo Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, nếu tình trạng này kéo dài 3 đến 6 tháng thì rất mệt mỏi cho các công ty du lịch. Năm 2012, dịch SARS đã từng ảnh hưởng tới ngành du lịch nhưng không lớn như bây giờ.

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt

Ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt

Về phía công ty Lửa Việt Tour, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty nhận định: du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau Trung Quốc. Theo ông Mỹ thì thiệt hại tầm nhìn xa phải 9 tháng, trong vài tháng không thể khắc phục được ngay.

Bài toán khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch như Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Quảng Ninh… đã thực hiện phát khẩu trang miễn phí, chủ động tìm cách ứng phó với dịch bệnh cũng như tìm giải pháp thích hợp nhất để đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Với các doanh nghiệp du lịch, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm đến phù hợp nhất.

Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của công ty. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Đối với du lịch quốc tế, những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường, do vậy cần đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường này (cả inbound và outbound).

Theo đó, ngay bây giờ cần xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch cần sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế, không chờ dịch hết mới triển khai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ có những kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam (tiền điện nước, thuê đất theo NQ08, giảm thuế VAT, miễn visa...).Trước mắt triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký giữa VISTA và JATA, VISTA và ASTA để thu hút khách từ hai thị trường này.

Đồng thời, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và Hiệp hội các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.

Bảo Loan