[Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 2) Hai kịch bản đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu

Lam Song 13/02/2020 06:00

Kịch bản 1: Dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I, xuất khẩu ước quý I giảm 8,3%, nhập khẩu giảm 3,2. Kịch bản 2: Dịch COVID-19 kết thúc cuối quý II, xuất khẩu ước giảm 8,1%, nhập khẩu giảm 3,1%.

Nông sản Việt đi Trung Quốc

Nông sản Việt đi Trung Quốc "tắc" vì virus Corona. Ảnh: Báo Người Lao động.

Trong báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới.

Đối với Việt Nam, COVID-19 không chỉ đình trệ sản xuất kinh doanh, mà còn làm suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là lĩnh vực nông nghiệp với mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”. - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động của Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam: (Bài 1) Sản xuất kinh doanh bị đình trệ

    20:41, 12/02/2020

  • Xuất khẩu nông sản 43 tỷ USD: Mục tiêu dần vời xa?

    06:00, 10/02/2020

  • Cuộc đua điều chế vắc xin chống Covid-19

    15:09, 12/02/2020

  • Kinh tế ứng phó dịch Covid-19

    14:39, 12/02/2020

  • Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất khu vực vì dịch cúm Covid-19

    14:00, 12/02/2020

  • WHO đổi tên dịch nCoV thành “COVID-19”

    08:00, 12/02/2020

  • Việt Nam sẽ thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 4 tuần

    06:00, 12/02/2020

Thực tế cho thấy, việc thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông tại hầu hết các địa phương của Trung Quốc và không có lực lượng hải quan, giao nhận hàng tại các cửa khẩu dẫn đến khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, trước mắt và trực tiếp nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ (như thanh long, dưa hấu).

Theo nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh kéo dài. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có xu hướng giảm do hoạt động sản xuất đang bị ngưng trệ.

Từ thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Kịch bản 1: Dịch COVID-19 kết thúc cuối quý I/2020.

Đối với xuất khẩu, ước tính quý I đạt kim ngạch 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc: các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 10,4%, hàng thủy sản giảm 11,4%.

Đối với nhập khẩu, ước tính quý I kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14 tỷ USD, giảm 13,6%.

Ước tính nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc giảm 11%, nguyên, nhiên, vật liệu giảm 16%, hàng tiêu dùng giảm khoảng 17%.

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 kết thúc cuối quý II/2020.

Đối với xuất khẩu, ước tính quý II đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 7,5 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc: các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 19,1%, hàng thủy sản giảm 21,9%.

Đối với nhập khẩu, ước tính quý II đạt kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 16 tỷ USD, giảm 17,6%.

Ước tính nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc giảm 10%, nguyên, nhiên, vật liệu giảm 24%, hàng tiêu dùng giảm khoảng 27%.

Thực tế cho thấy, dịch cúm do COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến cả các thị trường ở nước thứ ba, không riêng gì tại thị trường Trung Quốc. 

Tại cuộc họp báo thường kì Chính phủ vừa diễn ra tối 5/2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hiện nay Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.

Ông Hải cho biết, hiện Chính phủ đã có chỉ đạo cho phép xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hóa qua biên giới đúng quy định bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Về phía Bộ Công Thương, ông Hải cho biết, Bộ đã yêu cầu các thương vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.

=>>> Mời độc giả đón đọc Bài 3: Du lịch, hàng không "dính đòn"

Lam Song