WB: Đấu thầu giúp Việt Nam mở rộng quy mô điện dự án mặt trời
Việt Nam có thể tăng công suất lên hàng chục gigawatt trong mười năm tới, đồng thời tạo thêm hàng ngàn việc làm nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu các dự án điện mặt trời...
Phương pháp tiếp cận này được đưa ra trong báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) có tiêu đề "Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện mặt trời ở Việt Nam".
Báo cáo là kết quả hợp tác kĩ thuật giữa WB và Chính phủ Việt Nam trong hai năm qua nhằm mở rộng quy mô và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời dồi dào tại Việt Nam. Phát triển các dự án điện mặt trời mới là một yếu tố quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu biến đổi khí hậu về cắt giảm khí thải trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện. Trong những năm gần đây, FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án trong bối cảnh Việt Nam cũng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát” – hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt.
Báo cáo này, do Quỹ Hạ tầng toàn cầu (GIF) và Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB-ESMAP) tài trợ, đã kiến nghị hai phương án mới triển khai dự án: đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và ‘đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp - đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện/lộ đường dây. Các phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.
Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên - đấu thầu cạnh tranh quy mô 500 MW theo trạm biến áp và 500 MW công viên điện mặt trời mặt đất—dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Ngân hàng Thế giới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng năng lượng bền vững của mình. Chúng tôi mong chiến lược này sẽ mở ra một chương mới về phát triển điện mặt trời vốn đã rất thành công ở Việt Nam".
Ngoài các cách tiếp cận mới về đấu thầu cạnh tranh, báo cáo cũng khuyến nghị cần đặt ra mục tiêu triển khai điện mặt trời hàng năm và trong trung hạn đồng thời sửa đổi khung pháp lý liên quan đến các quy định về lựa chọn cạnh tranh các đơn vị sản xuất điện độc lập.
Báo cáo ước tính tăng công suất điện mặt trời ở Việt Nam có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới mỗi năm trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030 và 20.000 việc làm khác trong lĩnh vực sản xuất nếu Việt Nam duy trì được thị phần hiện tại của mình trong thị trường thiết bị điện mặt trời toàn cầu.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: “Đặc biệt, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi từ chính sách giá bán điện mặt trời cố định sang chính sách đấu thầu cạnh tranh các dự án điện mặt trời và xa hơn nữa để áp dụng cho phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo khác, giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, cạnh tranh và đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư - nhà nước - người dân.”
Trong nhiều năm qua, WB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam lập quy hoạch phát triển điện mặt trời. Từ năm 2017, Ngân hàng Thế giới, được tài trợ từ ESMAP và GIF, đã và đang cung cấp cho Việt Nam một loạt hoạt động hỗ trợ kỹ thuật lớn từ lập bản đồ năng lượng mặt trời đến tư vấn chiến lược về huy động đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời quy mô lớn