Cần “giải cứu” giá thịt lợn cho người tiêu dùng

Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế 14/02/2020 11:00

Thời gian gần đây, dư luận xã hội đã nêu nên một số vấn đề rất khó hiểu, khó giải thích về diễn biến giá cả thị trường nội địa.

Đó là, các loại giá dịch vụ như phở, bún bánh, cắt tóc, gửi xe, và một số hàng hóa dịch vụ khác đã tăng giá trước Tết, sau Tết Âm lịch nhưng lại không chịu đi xuống, mặc dù có loại hàng hóa dịch vụ chi phí đầu vào đã dịu đi. Thực tế sự đóng băng của giá cả này đem lại một phần lợi nhuận vô lý cho một số tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ ở thị trường.

sự đóng băng của giá cả này đem lại một phần lợi nhuận vô lý cho một số tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ ở thị trường.

Sự "đóng băng" giá cả đã đem lại lợi nhuận vô lý cho một số tổ, chức cá nhân kinh doanh dịch vụ ở thị trường.

Một vấn đề rất nóng bỏng, đó là giá thịt lợn cũng phải làm Chính phủ phải nêu ra câu hỏi “Thịt lợn nói không thiếu và trên thực tế không thiếu, nhưng tại sao giá vẫn cao? Xuống giá ít hoặc không xuống?”. Một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi có lượng thịt lợn áp đảo trên thị trường chỉ sau khi có ý kiến của Chính Phủ mới giảm giá 2 lần trong 1 tháng qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất giảm thuế để tăng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ

    01:00, 12/02/2020

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: CPI “bất thường” do thịt lợn neo ở giá cao

    17:01, 02/02/2020

  • Hơn 50 doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam

    11:00, 07/01/2020

Sau những đợt giảm giá của CP và Dabaco nhưng giá thịt lợn ở chợ lẻ tại một số siêu thị xuống không đáng kể. Đơn cử, tại siêu thị LTM Tây Sơn, cả tháng nay bảng giá vẫn đóng băng. Thịt ba chỉ 205.000đ/kg, sườn thăn 240.500đ/kg. Còn ở một số chợ, tiểu thương trả lời “có xuống đôi chút nhưng không đáng kể, chúng em nhận giá cao thì vẫn bán giá cao”.

Và thực tế, giá thịt lợn ở chợ cũng không nhúc nhích xuống được là bao. Chính phủ gần đây đã đề ra một lộ trình cho giá thịt lợn là phải giảm 10% trong tháng 2 và 3 và về mức 60.000 – 65.000đ/kg lợn hơi. Lộ trình này phù hợp với giá thành sản xuất hiện nay là khoảng 47.000 – 50.000đ/kg hơi. Với giá này, chăn nuôi đã có lãi hợp lý, nếu duy trì giá lợn hơi ở mức 75.000đ-  78.000đ/kg hơi bình quân như hiện nay ở các vùng miền là một điều vô lý.

Lại nói về chuyện giải cứu, thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp 20.000 – 22.000đ/kg thì chăn nuôi đề nghị được giải cứu, nhưng hiện nay giá lợn hơi đắt đỏ, cách quá xa với giá thành chăn nuôi thì lại chưa “giải cứu” cho người tiêu dùng, đó là nghịch lý xảy ra trên thị trường.

Trước Tết, tôi đã có ý kiến, trong điều kiện giá cả tăng lên một cách vô lý, gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng thì theo luật giá, trong những lúc khó khăn, yêu cầu các cơ quan quản lý giá thị trường phải vào cuộc để yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi kê khai giá và để kiểm soát được giá thành thịt lợn nhưng chưa được hồi âm?

Cuộc họp gần đây về giá cả Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết, yêu cầu cơ quan Thuế phải kiểm tra ngay việc hạch toán, chi phí chăn nuôi, giá thành sản xuất, nộp ngân sách, các tổn thất về dịch, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, Bộ Công Thương phải kiểm tra và trả lời nguồn cung không thiếu nhưng tại sao giá thịt lợn vẫn cao? Việc này chỉ xảy ra khi các doanh nghiệp lớn, với số lượng lợn hơi áp đảo mới có điều kiện “bắt tay” liên kết hoặc thao túng giá trên thị trường.

Dư luận xã hội rất hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời trên của Chính phủ để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Một điều cũng cần phải lưu ý ở khâu trung gian, bao gồm thương lái và khâu bán lẻ cũng có một số tổ chức cá nhân góp phần đẩy giá lên, thông qua chiết khấu cao vô lý và những chi phí khác đưa hàng hóa và thịt lợn vào khâu bán lẻ.

Những chiết khấu 20% - 30% có khi nhà sản xuất khó đạt được trong sản xuất chăn nuôi thì lại được các đơn vị bán lẻ áp đặt khi giao hàng. Trong năm 2019, lãnh đạo Tổng Cục thuế, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đã phải kêu lên vì việc hưởng lợi nhuận bất hợp lý của khâu trung gian và khâu bán lẻ ở một số tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chấn chỉnh một cách kịp thời, chúng ta đều biết trong thực tế, việc mua bán trên thị trường là thỏa thuận, song thỏa thuận một cách áp đặt quá vô lý thì cần phải uốn nắn và chấn chỉnh. Công bằng xã hội, trong đó có công bằng tiêu dùng mà người dân được hưởng lợi là một định hướng lớn trong chính sách phát triển kinh tế xã hội. Không để thị trường phát sinh những diễn biến làm cho giá cả méo mó như hiện nay là trái với quy luật của một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang tiến tới.

Những quy luật giá trị sử dụng và giá cả của hàng hóa cần được thực hiện một cách khách quan khi điều hành giá cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất và lưu thông trên thị trường.  Làm tốt những vấn đề trên, chắc chắn trong thời gian tới, hàng hóa dịch vụ ở thị trường sẽ được vận hành trơn tru và đúng quy luật. Phục vụ tốt tiêu dùng trong nước, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và cải thiện đời sống nhân dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế