EVFTA “định hình” lại ngành dược
Khi EVFTA có hiệu lực cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU.
Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%) Nghị viện Châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và EU.
Sẽ không quá nếu nói rằng cả một “bầu trời” cơ hội đang mở rộng phía trước đối với các doanh nghiệp Việt sau khi EVFTA và EVIPA đi vào thực thi. Mặc dù là Hiệp định thương mại tự do nhưng nó không hề “tự do” bởi những cam kết, ràng buộc rất rõ ràng. Nó sẽ chỉ thực sự “tự do” khi mà trong cuộc chơi hai bên tham gia một cách nghiêm túc và sòng phẳng...
Nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Geert Bourgeois: Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) ký kết với một nước đang phát triển. Mô hình này dựa trên các cuộc đàm phán giữa các đối tác bình đẳng, cùng có chung mục tiêu khuyến khích phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, chống đói nghèo và đẩy mạnh cải cách thể chế. Mục đích của EVFTA là để loại bỏ 99% thuế quan trong vòng 7 năm, mang lại 15 tỷ Euro mỗi năm trong xuất khẩu bổ sung từ Việt Nam sang EU vào năm 2035, trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 8,3 tỷ Euro/năm. Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Việc tốt nhất mà Bộ Công thương và Chính phủ có thể làm là dự thảo sẵn các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì công bố để lấy ý kiến người dân. Như vậy sẽ rút ngắn được khoảng thời gian trống, giúp các doanh nghiệp 2 bên có thể nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích của hiệp định. Cần nhất và cấp bách nhất là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm của các cơ quan Chính phủ và phát triển bền vững. Hiện chúng tôi đang triển khai theo hướng này. Hy vọng là Quốc hội sẽ thông qua hiệp định một cách thuận lợi. |
Áp lực lớn tới doanh nghiệp Việt
Lấy ví dụ trong lĩnh vực dược phẩm, mặc dù Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược được ban hành đã cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu, nhưng lại đưa ra nhiều hạn chế khác, trong đó có việc mở động khái niệm phân phối thuốc bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển... đã khiến các doanh nghiệp EU không thể triển khai các kế hoạch đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Nhưng khi EVFTA có hiệu lực cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU. Cụ thể, EVFTA quy định sẽ loại bỏ thuế quan ngay khi có hiệu lực đối với toàn bộ các sản phẩm dược phẩm (Chương 30, 38 của Biểu cam kết thuế của EU), cũng như tất cả các sản phẩm từ động vật, nhuyễn thể, thực vật được sử dụng để bào chế, sản xuất dược phẩm, các loại hóa chất, dụng cụ sử dụng cho dược phẩm (Chương 02, 05, 12, 19, 48, 70 của Biểu cam kết thuế của EU).
Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan cho dược phẩm, dược liệu từ EU ở mức hạn chế hơn so với EU, theo đó: Loại bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với khoảng 71% các sản phẩm dược phẩm, dược liệu (phần lớn các dòng sản phẩm này hiện mức thuế nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc MFN thông thường mà Việt Nam đang áp dụng đã là 0%). Loại bỏ thuế quan dần trong vòng 5-7 năm (cá biệt có trường hợp 10 năm) kể từ khi EVFTA có hiệu lực đối với các dược phẩm, dược liệu còn lại (các dòng sản phẩm này hiện đang có mức thuế MFN thông thường dao động trong khoảng 5-8%).
Tuy nhiên, do thuế MFN mà EU đang áp dụng với dược phẩm, dược liệu nhập khẩu từ tất cả các nước vào EU đã là 0% nên mức cam kết này của EU trong EVFTA không tạo thêm lợi thế mới nào cho doanh nghiệp dược Viêt Nam (kể cả trong việc nhận thêm các đơn hàng gia công).
Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp Dược phẩm của Việt Nam cũng tỏ ra lo lắng bởi dược phẩm vốn là nhóm hàng có thế mạnh của EU, nên khi doanh nghiệp dược EU có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khá yếu ớt.
Theo tìm hiểu của DDDN, hiện nhiều loại thuốc nội chất lượng đã tương đương thuốc ngoại mà giá chỉ bằng 1/20 nhưng người tiêu dùng vẫn “quay lưng” và chuộng thuốc ngoại do tư tưởng sính ngoại. Ngay như thị trường thuốc trong bệnh viện chiếm tới 65% thị trường thuốc cả nước, thuốc ngoại đang ở thế “thượng phong” do thuộc nhóm ưu tiên trong đấu thầu. Các doanh nghiệp nội muốn tham gia thì phải đầu tư công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu GMP – EU với chi phí đầu tư vào khoảng 300 tỉ đồng, đây có lẽ là rào cản khó vượt qua đối với doanh nghiệp nhỏ.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco nói rằng, dù rất tốn kém nhưng từ năm ngoái, doanh nghiệp này đã đầu tư công nghệ để cạnh tranh với các sản phẩm đến từ EU, đồng thời đón nhận cơ hội mới mà EVFTA và EVIPA mang lại trong lĩnh vực dược phẩm. “Với những doanh nghiệp lớn như chúng tôi, dù sẵn sàng đầu tư GMP – EU nhưng thương hiệu chưa thể bằng các doanh nghiệp EU nên vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước” Bà Thuận nói.
Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.
Không chỉ có các doanh nghiệp dược trong nước, ngay cả các doanh nghiệp dược nước ngoài cũng chuẩn bị kỹ lượng cho việc EVFTA đi vào thực thi. Ông Haissam Chraiteh, Tổng Giám đốc Sanofi Đông Dương thuộc Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam một trong những tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc nói rằng, khi EVFTA có hiệu lực, đồng thời với việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh cho các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước.
“Sanofi đã cải tiến, tái cấu trúc ở tất cả các khâu vận chuyển - bảo quản - quản lý chất lượng - kinh doanh để sẵn sàng cho những cơ hội mới từ EVFTA”, ông Haissam Charaiteh nói.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Câu chuyện của các doanh nghiệp ngành dược phẩm chỉ là một trong nhiều câu chuyện mà các doanh nghiệp Việt sẽ phải đương đầu với những thách thức và cơ hội khi mà EVFTA và EVIPA có hiệu lực. Nhưng về tổng thể rõ ràng cơ hôi là rất lớn, bởi khi kinh tế Việt Nam tham gia EVFTA và EVIPA, ngay lập tức, Châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới, tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc EVFTA và EVIPA được Nghị viện các nước Châu Âu phê chuẩn và dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn trong kỳ họp sắp tới là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, điều này ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam.
Như vậy về phía Việt Nam chỉ còn một bước cuối cùng là Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua thì EVFTA và EVIPA sẽ còn hiệu lực. Nhưng thực tế để có thể đi vào cuộc sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm, cấp bách nhất là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ...
Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam. Một nghiên cứu về những tác động của EVFTA với ngành dược phẩm Việt Nam do VCCI và dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu, phái đoàn liên minh Châu Âu chỉ ra rằng, những tác động của EVFTA rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn.