Giáo dục đại học với “miếng bánh” 89 tỷ USD
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2020 tỷ lệ sinh viên sẽ đạt 450 sinh viên/10.000 dân, trong đó có 40% sinh viên ngoài công lập. Mục tiêu này đang mở ra một định hướng đầu tư mới với khu vực tư nhân.
Ngành giáo dục Việt Nam hứa hẹn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỉ USD vào năm 2026. Khi quy mô và lợi nhuận đủ lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mạnh tay rót vốn ngàn tỉ cho các trường đại học.
Sôi đông đầu tư giáo dục
Tính đến năm 2019, Việt Nam mới có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, 68 trường đại học tư thục và 170 đại học công. Song song đó, có hơn 500 chương trình liên kết với nhiều trường đại học trong top 500 thế giới.
Theo báo cáo tháng 1/2018 của Công ty luật Hogan Lovells, Việt Nam dành 20% ngân sách quốc gia (khoảng 10 tỉ USD) cho giáo dục. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu tăng lên, ngày càng có nhiều gia đình người Việt có đủ khả năng chi trả cho các hình thức giáo dục chất lượng cao.
Các con số trên cho thấy nhu cầu đầu tư vào hệ thống trường đại học của khu vực tư nhân ngày càng “khủng”. Nguyễn Hoàng Group đề xuất xây thành phố giáo dục quốc tế tại Hải Phòng, Tập đoàn FLC khởi công Đại học FLC tại Khu Đô thị Đại học FLC Quảng Ninh, thương hiệu Đại học VinUni trong mô hình giáo dục phổ thông liên cấp Vinschool...
Xu hướng M&A trong lĩnh vực giáo dục đại học đang diễn ra sôi động: Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỉ đồng, Công ty CP Phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến khoảng 60 tỉ đồng...
Không chỉ khối nội, khối ngoại hiện cũng đang đầu tư mạnh vào giáo dục Việt Nam. Thống kê cho thấy FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm 37% trong tổng vốn FDI giai đoạn này. Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths đánh giá, những con số trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác trong đầu tư giáo dục. Xu hướng hút vốn “ngoại” vào thị trường giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, trong đó xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt.
Chú trọng lượng hơn chất
Quy luật thị trường có cung ắt có cầu, do đó, việc các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào mảng giáo dục là xu thế không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh Chính phủ cũng đang thúc đẩy tự chủ giáo dục.
nhiên, giáo dục là ngành đầu tư đặc thù, mà sản phẩm của giáo dục – sinh viên – là yếu tố quyết định đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Nhưng hiện nay, phần lớn sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp còn nhiều.
Nguyên nhân một phần đến từ các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng ở Việt Nam khá lạc hậu. Thống kê từ Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có 123 trường đại học, 5 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chất lượng kiểm định nước ngoài. Trong số 5.000 chương trình đào tạo, đến nay chỉ có 139 chương trình được công nhận kiểm định bởi nước ngoài, 19 chương trình đạt chất lượng kiểm định trong nước.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê. Việt Nam cần thúc đẩy chính sách sáng tạo trong công nghệ, thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt nam có một nguồn nhân lực có thể ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số nhằm tạo ra những đột biến cho nền kinh tế.
Theo TS Nguyễn Thắng – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong trung hạn, một số ngành nghề ở Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực, như nhóm ngành năng lượng, công nghiệp chế tạo, dệt may, điện tử... Nhiều lĩnh vực cũng sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này như du lịch, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng, chính phủ điện tử. Vì vậy, chúng ta cần phải có kế hoạch tái cơ cấu giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học tư hiện nay đang vì áp lực tài chính nên bất chấp tiêu chuẩn để tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Việc tuyển sinh kiểu “vơ bèo, vạt tép” bắt đầu từ nguyên nhân đầu tư của doanh nghiệp luôn tính toán lãi – lỗ trong ngắn hạn.