[CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN] Doanh nghiệp gặp khó ngay khâu nguyên liệu
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, doanh nghiệp rất khó có được những mảnh đất hàng chục nghìn ha để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), doanh nghiệp đang xuất khẩu chanh leo sang Brazil. Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến.
Doanh nghiệp có hai nguồn nguyên liệu là vùng tập trung và phi tập trung. Tập trung là liên kết với hợp tác xã, với nông dân. “Doanh nghiệp rất khó có được những mảnh đất hàng chục nghìn ha. Do đó phải liên kết, cụ thể ở Thanh Hóa có hàng chục ha.Còn về vùng nguyên liệu tập trung, chúng tôi liên kết với các lâm trường”, ông Đinh Cao Khuê cho biết.
Cũng về vấn đề nguyên liệu, ông Đinh Cao Khuê nhận định, cần xác định đối thủ, tạo thế cạnh tranh riêng. “Ví dụ như chanh leo, ở Lâm Đồng, ở Sơn La, chúng ta có độ cao địa hình, mạnh hơn Trung Quốc, hơn Peru, Ecuador. Xoài thì cần cạnh tranh với Ấn Độ, nhưng chúng ta có xoài Cát Chu rất mạnh. Chúng ta cần đi song song giữa xuất khẩu tươi và chế biến”, Chủ tịch DOVECO nói.
Đặc biệt, ông Khuê nhấn mạnh, nhà máy sản xuất cần ít nhất từ 400-2.000 tỷ đồng, nhưng dù thế nào vẫn cần vùng nguyên liệu. “Tôi lấy ví dụ Bắc Giang, sau 2 tháng thu hoạch vải thì làm gì. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo các tỉnh cho liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Năm nay chúng tôi sẽ khởi công thêm một nhà máy chế biến ở Sơn La, sau đó là Tiền Giang. Doanh nghiệp chúng ta còn non so với thế giới, do đó cần đoàn kết”, Chủ tịch DOVECO kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Lựa chọn doanh nghiệp "đầu tàu" dẫn dắt ngành công nghiệp chế biến nông sản
10:49, 21/02/2020
"Chìa khoá" cho doanh nghiệp nông nghiệp bứt phá
03:09, 21/02/2020
Doanh nghiệp đổ vốn lớn nhưng vì sao chế biến nông sản vẫn "hụt hơi"?
04:00, 20/02/2020
Trên thực tế, Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại.
Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm. tổn thất sau thu hoạch còn lớn mức 10-20%.
Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đồng tình với những kiến nghị của ông Đinh Cao Khuê, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến, nhất là định hướng mục tiêu xây dựng 15 nghìn HTX trên cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường cũng đề nghị Bộ KH-CN, Bộ Công thương và các doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo của nước ta giai đoạn tới quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các thiết bị cơ giới hóa phụ trợ, phục vụ cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Bởi hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.
Đối với việc đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến rau quả của DOVECO trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang cần quan tâm, sớm ủng hộ và có kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến rau quả trong thời gian tới, đồng thời tỉnh Sơn La sẵn sàng cho việc khởi công, xây dựng mới thêm một nhà máy chế biến rau quả trong năm 2020.