“Giải cứu” doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương 21/02/2020 13:24

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về tác động của dịch COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương cập nhật kịch bản tăng trưởng, các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH...

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước.

Xung quanh vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã có bài viết riêng cho Diễn đàn Doanh nghiệp. 

p/Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19

Đứt đoạn chuỗi cung ứng

Do tác động COVID-19, Trung Quốc với tâm dịch là Vũ Hán đã bị hoang mang và không phản ứng kịp. Việc đóng cửa hơn 40 thành phố trung tâm sản xuất khiến kinh tế Trung Quốc chưa biết khi nào mới thực sự dịch chuyển trở lại.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương

Dịch chuyển, vận hành đứng lại thì kinh tế có vấn đề, chuỗi cung ứng cũng đứt đoạn. Mỹ chỉ nhập 10% hàng hóa nguyên phụ liệu của Trung Quốc nhưng đã có nhiều nhà máy ô tô đã giảm, giới hạn sản xuất hoặc đóng cửa.

Lưu ý là trong quá khứ ảnh hưởng kinh tế ở những đợt khủng hoảng lớn luôn có diễn biến, giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế xuống rất nhanh. Giai đoạn phục hồi khủng hoảng, lên rất chậm. Khủng hoảng tài chính nước Mỹ mất 7-10 năm mới phục hồi và tùy ngành nghề mới trở lại giá trị cũ là một ví dụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại; chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Các đơn vị, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, giảm lệ phí visa, chi phí logistic... để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giải pháp của hiệp hội và doanh nghiệp

Để thoát nguy cơ phá sản và cầm cự được giữa dịch COVID-19, doanh nghiệp cần xác định tác động có thể khó lường hơn, kéo dài hơn, do đó cũng cần chủ động hơn. Điều quan trọng nhất và cần làm ngay là doanh nghiệp phải xác định giải pháp gì chưa thể triển khai được thì... tạm quên. Ví dụ vấn đề đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc cung cầu vào một thị trường duy nhất. Đây là giải pháp dài hạn, cần thực hiện. Tuy nhiên trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn phải làm những điều ưu tiên, ứng phó tức thời và bài bản với cắt giảm chi phí, định phí. Nghĩa là những chi phí chưa cần chi phải cắt giảm ngay. Những định phí cao: Cần tìm ngay hướng thay thế chi phí thấp hơn. Doanh nghiệp phải có kế hoạch tồn tại ít nhất là 6 tháng trong tình huống xấu nhất.

  Nếu cần, phải cho doanh nghiệp và nền kinh tế được “uống thuốc”, thậm chí dư liều, chịu một chút phản ứng phụ để lành sớm, còn hơn để khi kiệt quệ, sẽ khó hồi phục.

Đặc biệt, lúc này vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy cao độ nhất với ý nghĩa là tổ chức phối hợp để các thành viên có đủ thông tin và chia sẻ. Doanh nghiệp nào khó khăn nặng nhất thì có chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp nào còn năng lực thì cần được thúc đẩy phát huy tương trợ. “Buôn có bạn, bán có phường”, đây không chỉ là tinh thần lá lành đùm lá rách mà còn là sự tương trợ để chính doanh nghiệp còn khỏe cũng có cơ hội tiếp tục khỏe, duy trì sức sống trong nay mai. Do đó mà doanh nghiệp khỏe hỗ trợ doanh nghiệp yếu theo cách nhận đơn hàng trả trước, giúp bảo lãnh ngân hàng... Hiệp hội Doanh nghiệp Trẻ Đà Nẵng trong những lần khủng hoảng trước đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ cho nhau là đơn cử.

Ở tầm đại diện toàn cộng đồng doanh nghiệp quốc gia để đối thoại Nhà nước trực tiếp và hiệu quả nhất, vai trò của VCCI lúc này càng quan trọng. VCCI cần nắm bắt thông tin ngành nghề địa phương nhanh nhất có thể. Chuyển đạt thông tin này tốc độ nhất và chuẩn xác nhất đến cơ quan Nhà nước. Cùng với đó đặt ra những kiến nghị để “giải cứu” doanh nghiệp kíp thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần liều "vắc xin" cho những nền kinh tế lớn

    05:00, 18/02/2020

  • Kinh tế toàn cầu dính cúm COVID-19 (Kỳ II): Giải pháp cho các nền kinh tế

    11:00, 15/02/2020

  • Lo ngại virus corona "lan" sang nền kinh tế

    00:00, 29/01/2020

  • Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn

    12:01, 25/01/2020

Gói giải cứu doanh nghiệp cần ưu tiên gì?

Để giải cứu doanh nghiệp, trước tiên cần ưu tiên các doanh nghiệp, ngành nghề có lao động đông đảo nhất. Đảm bảo lao động là đảm bảo xã hội ổn định thì mới nói chuyện kinh tế ổn định. Thứ hai, ưu tiên các doanh nghiệp, ngành nghề có tính chiến lược an ninh quốc gia, có thể đảm bảo không để lệ thuộc hơn nữa đối với nguồn cung bên ngoài khi kinh tế phục hồi, hướng đến làm sao có thể tự thân, thoát lệ thuộc dù đó là bất kỳ khu vực, thị trường nào. Thứ ba, cắt giảm những khoản, mục đầu tư về hạ tầng và nghiên cứu mà có giá trị lâu dài chưa cần gấp, chưa có tác động ngay với nền kinh tế để tập trung giải cứu doanh nghiệp. Nguồn này sẽ được tạo thành quỹ giải cứu doanh nghiệp.

Thứ tư, quản lý và giải ngân quỹ giải cứu doanh nghiệp cần có một Hội đồng cấp nhà nước về giải cứu doanh nghiệp với người đứng đầu ở cấp cao nhất của Chính phủ. Cơ chế quản lý là minh bạch thông tin. Yếu tố minh bạch thông tin trong quản lý và giải ngân quỹ giải cứu doanh nghiệp là tối quan trọng vì nếu không minh bạch, sẽ gây mất đoàn kết, tác động bất ổn xã hội.

Thứ năm, kết nối với thế giới để tìm nguồn tương trợ tốt nhất. Chúng ta cần tìm kiếm các nguồn tiền dạng “credit line” (đường tín dụng được duyệt trước và chỉ sử dụng khi cần) từ các tổ chức quốc tế lớn như WB, IMF, ADB... để bổ sung quỹ giải cứu doanh nghiệp. Song song là sự hỗ trợ từ các đối tác, thị trường theo ngành hàng. Ví dụ với Dệt may, chúng ta làm ăn với Canada – thị trường chưa ảnh hưởng bởi COVID-19. Chúng ta có thể đề xuất những tương trợ, đặt hàng trả trước, đổi chỉ định nguồn hàng nguyên phụ liệu mà không gia tăng chi phí gia công... Chúng ta cần phải đánh động và tiếp cận tất cả những đối tác đã có quan hệ chặt chẽ với kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh tất cả những giải pháp trên cần được nghiên cứu, triển khai ngay và luôn. Bởi tác động của COVID-19 tới nền kinh tế và doanh nghiệp đang hàng ngày hàng giờ mà chưa có hồi kết. Nếu cần, phải cho doanh nghiệp và nền kinh tế được “uống thuốc”, thậm chí dư liều, chịu một chút phản ứng phụ để lành sớm, giảm bớt tổn thương tối đa còn hơn để khi kiệt quệ, sẽ kéo dài và khó hồi phục.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương