Cơ hội mới cho năng lượng tái tạo

Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam 25/02/2020 11:00

Việc phê duyệt hai hiệp định này là khung pháp lý quan trọng nhất để các dòng vốn từ EU có thể đổ về Việt Nam.

Có hai trở ngại mà chúng ta phải giúp các nhà đầu tư EU vượt qua, đó là quy mô thị trường của Việt Nam còn khá nhỏ để đầu tư nhà máy sản xuất và sự ổn định về cơ chế chính sách.

EU rất mạnh về điện gió và điện rác. Riêng ở Đức, năng lượng tái tạo chiếm tới 44% tổng sản lượng điện quốc gia. Vì thế để giải quyết bài toán này theo tôi nên khuyến khích các tập đoàn của EU mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Điều đó, sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí nhân công và chi phí vận chuyển và giá thiết bị giảm. Như vậy, sẽ giúp chúng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng cao của nền kinh tế.

p/Thiếu cơ chế giá cho Điện Mặt trời suốt từ 1/7/2019 đến tận bây giờ thì không thể làm yên lòng các nhà đầu tư.p/Ảnh: Dự án nhà máy điện mặt trời tại Quảng Trị.

Thiếu cơ chế giá cho Điện Mặt trời suốt từ 1/7/2019 đến tận bây giờ thì không thể làm yên lòng các nhà đầu tư. Ảnh: Dự án nhà máy điện mặt trời tại Quảng Trị.

Chính phủ cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chính sách một cách ổn định, lâu dài và tin cậy.

Việc thiếu cơ chế giá cho Điện Mặt trời suốt từ 1/7/2019 đến tận bây giờ, nghĩa là sau gần 8 tháng không có cơ chế giá (FIT2) cho điện Mặt trời thì không thể làm yên lòng các nhà đầu tư được. Việc nghiên cứu xu hướng đấu thầu giá điện sau 2020 cũng không rõ thì nhà đầu tư không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài được.

Việc Chính phủ quy định EVN phải mua hết lượng điện được sản xuất ra nhưng trong hợp đồng mua bán điện (PPA) EVN lại chỉ chấp nhận mua lại lượng điện mà mạng lưới có thể tiếp nhận và thực tế là hiện nay tại Ninh Thuận, Bình Thuận thì EVN chỉ mua 30% lượng điện do các nhà máy điện gió và điện Mặt trời trên địa bàn sản xuất ra.

Đây là những ví dụ bất cập về chính sách của ta. Chưa kể sau 10/2021 thì giá cho điện gió sẽ được áp dụng ở mức nào, Chính phủ cũng chưa quy định và có thể gây hoang mang cho các nhà đầu tư như đối với các dự án điện mặt trời hiện nay.

Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi (Ofshore) của Việt Nam là rất lớn vì có hơn 3.200 km bờ biển. Tất nhiên, chúng ta cần có quy hoạch cụ thể, vùng nào có thể làm, vùng nào không, vùng nào là phát triển hải sản, du lịch, quốc phòng, vùng nào cho điện gió và vùng cho điện gió đó thì khu vực nào được ưu tiên, khu vực nào không... Cần phải hết sức rõ ràng để mỗi nhà đầu tư đều có thể có lựa chọn cho riêng mình và có kế hoạch kinh doanh dài hạn của họ. Hơn nữa, thiết bị cũng đắt hơn nên nếu không có cơ chế khuyến khích lâu dài và ổn định thì các nhà đầu tư thấy rủi ro cao sẽ không mạnh dạn đầu tư.

Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam