Doanh nghiệp da giày đón sóng EVFTA
Hiệp định thương mại EVFTA và EVIPA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận cơ hội này.
Trong nhiều năm qua, EU là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa kỳ, do vậy khi EVFTA có hiệu lực, ngành da giày-túi xách Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ kết quả này. Để rõ hơn về những dòng thuế được cắt giảm trực tiếp, cũng như những chiến lược dài hạn đón sóng đầu tư, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch HĐQT TBS Group - Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da -Giày - Túi xách Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, EVFTA và EVIPA có hiệu lực, sẽ giúp ngành da giày-túi xách Việt Nam được hưởng những lợi ích gì?
EVFTA sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu da giày-túi xách Việt Nam sang các nước thành viên EU, đây là một cơ hội rất lớn, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư mạnh vào phát triển sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo tổ chức Mutrap, sẽ có 4 category (dòng sản phẩm), chiếm khoảng 43% tổng sản phẩm giày dép xuất khẩu từ VN sẽ hưởng ngay mức thuế 0%, phần còn lại giảm dần từ mức bình quân 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.
Riêng mặt hàng túi xách sẽ được hưởng ngay thuế suất bằng 0% nếu sản phẩm được cắt, may và đóng gói tại Việt Nam.
Theo dự báo, mức tăng trưởng xuất khẩu sang EU của ngành da giày - túi xách sẽ tăng từ 8-10% trong 5 năm đầu tiên, giúp kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng thêm khoảng 3%/năm.
- Không chỉ có TBS mà các doanh nghiệp da giày khác cũng đang chuẩn bị, đón sóng đầu tư? Vậy TBS đã chuẩn bị những chiến lược gì cho cơ hội cạnh tranh phía trước?
Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài nước.
Với TBS Group, ngoài chiến lược mở rộng nhà máy, khai thác vào chuỗi cung ứng, quản trị tích hợp, chúng tôi luôn chú trọng đến việc đáp ứng các điều kiện về môi trường, lao động và sẵn sàng đáp ứng với hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn REACH của EU.
Để đón nhận lợi ích trong dài hạn, từ rất sớm công ty đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất giày và túi xách, thành công trong chiến lược mở rộng nhà máy về miền Tây Nam bộ, hiện TBS đang chú trọng đầu tư chiều sâu vào quản trị tích hợp, nghiên cứu và khai thác tối đa chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Đến nay TBS Group có 5 trung tâm phát triển sản phấm, 18 nhà máy sản xuất giày, 03 nhà máy sản xuất đế, 08 nhà máy sản xuất túi xách-ba lô, chúng tôi đang đầu tư một nhà máy tại Myanmar và nghiên cứu khả năng đầu tư tại một số nước khác để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. TBS luôn tìm giải pháp chủ động nguồn cung ứng và liên tục giảm chi phí nhờ vào hệ thống TBS Logistics. Điều này sẽ giúp TBS khai thác tốt nhất các cơ hội mà các hiệp định FTA thế hệ mới mang đến.
TBS có bộ phận nghiên cứu chiến lược, thường xuyên cập nhật tình hình kinh tế chính trị thế giới và trong nước cũng như thị trường, khách hàng để luôn sẵn sàng ứng phó trong môi trường kinh doanh đầy rẫy những bất trắc như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam là nước xuất khẩu da giày lớn thứ hai thế giới
10:32, 11/07/2019
EVFTA: "Cú hích" cho da giầy
11:16, 09/07/2019
Da giày lo nguồn nguyên liệu làm tuột cơ hội từ CPTPP, EVFTA
10:22, 12/05/2019
Nhiều cơ hội cho ngành nông sản, dệt may và da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đông Âu!
11:20, 08/05/2019
Hiệp hội Da giầy - Túi xách: Kiến nghị “giải nguy” cho doanh nghiệp
10:50, 13/04/2019
- Song hành với các thuận lợi của EVFTA, ngành da giày-túi xách Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì từ hàng rào kỹ thuật, cũng như nguồn cung của thị trường lao động Việt Nam trong năm nay, thưa ông?
Để được hưởng thuế suất ưu đãi theo cam kết trong EVFTA, sản phẩn xuất khẩu từ Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu theo qui định của EVFTA. Ngành da giày hiện có hai thuận lợi lớn:
Một là, từ năm 2014, EU cấp Việt nam qui chế GSP, qui chế này đòi hỏi sự đáp ứng về hàm lượng giá trị nội địa, theo bộ Công thương, hiện có trên 98% giày dép xuất khẩu từ Việt nam đáp ứng điều kiện này. Chuyển sang thực hiện EVFTA, điều kiện về xuất xứ cũng tương tự, do vậy, có thể nói là ngành Da giày VN vững tin sẽ đáp ứng yêu cầu xuất xứ của EVFTA.
Hai là, EVFTA còn cho phép Việt nam sử dụng nguyên liệu từ những nước thành viên EU và những nước mà EU có ký kết FTA, cụ thể là Hàn quốc và đưa ra quy định về xuất xứ gọi là hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value content - RVC). Như vậy, ngành da giày Việt nam sẽ được chấp thêm "cánh" cho lộ trình nâng cấp sản phẩm khi sử dụng nguyên vật liệu từ Hàn quốc.
Tuy nhiên, cần cảnh báo rằng nếu sản phẩm nào không đáp được yêu cẩu về xuất xứ theo qui định của FTA, sẽ chịu mức thuế MFN, cao hơn nhiều so với mức GSP mà Việt nam được hưởng trong 5 năm qua.
Một điểm quan ngại là hiện nay phần lớn doanh nghiệp da giày trong nước có qui mô vừa và nhỏ, vẫn đang thiếu và yếu về nhiều mặt từ vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực quản trị, dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo nhận định của Lefaso, năng suất bình quân của các nhà máy da giày Việt Nam hiện nay chỉ bằng 60-70% năng suất của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nước.
Qua đó cho thấy, ngành da giày Việt Nam còn khá nhiều điểm yếu mà trong thời gian ngắn khó có thể khắc phục được. Do vậy để tận dụng được lợi thế của EVFTA, các doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên liệu, đầu tư đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có sản phẩm là thế mạnh đặc trưng riêng của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!