Lối thoát nào cho du lịch Quảng Ninh?

Lê Cường 29/02/2020 04:10

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, thiệt hại với ngành Du lịch do SARS-CoV-2 sẽ rất trầm trọng.

Khách quốc tế có thể giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9 – 15,3 triệu lượt. Ước tính, tổng thiệt hại từ thị trường khách quốc tế, nội địa là khoảng 5,9 -7,7 tỷ USD.

Không nằm ngoài dịch bệnh, du lịch Quảng Ninh cũng đang chịu những tổn thất lớn. Trong quý I/2020, dự báo thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á giảm khoảng 80%; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc giảm gần 30%. Về khách nội địa, dự báo giảm tới 70%.

“Vỡ trận” vì hàng nghìn khách hủy tour

Ông Lý Môn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hạ Long, một đơn vị lữ hành, có thế mạnh trong đón khách Trung Quốc, cho biết: “Lữ hành quốc tế, đặc biệt là đón khách Trung Quốc chịu tác động vô cùng lớn, lượng khách suy giảm mạnh, cao điểm giảm 90%. Không chỉ chúng tôi, nhiều doanh nghiệp lữ hành khác hoạt động cầm chừng, phải cho cán bộ nghỉ luân phiên, lương vẫn trả khi không có doanh số.”

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm chia sẻ, trong dịp này, gần 30 nghìn khách Hàn Quốc đã hủy tour đến Yên Tử. Tính trung bình trong 10 ngày qua, lượng khách Hàn Quốc đến Yên Tử liên tục giảm mạnh, mỗi ngày công ty đón rất ít khách, trung bình không quá 50 khách/ngày.

“Khách tới di tích Yên Tử tới thời điểm này giảm 70% so với cùng kỳ; 90% khách của đơn vị hủy, hoãn tour tới tháng 4. Doanh thu giảm 60 - 70% so với năm 2019, kéo tổng doanh thu năm 2020 giảm 40%, tương đương trên 120 tỷ đồng”, ông Thanh cho biết.

Quảng Ninh xác định biện pháp đối phó với dịch SARS-CoV-2 là phải tìm kiếm thị trường khách mới để bù cho lượng khách bị sụt giảm; tăng cường kích cầu, thu hút, quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường không có dịch bệnh. ơ sở lưu trú...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Nguyễn Thị Bảo thì thông thường từ tháng 12 tới tháng 4 là mùa cao điểm khách quốc tế, nay do dịch bệnh đã suy giảm mạnh. Thị trường chủ chốt là khách Trung Quốc giảm từ 70 - 80%, thậm chí có lúc tới 90% dù hiện Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào. Các dòng khách chi trả cao như: Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… phần lớn đã hoãn hoặc hủy tour.

Dịch vụ tham quan Hạ Long, cùng kỳ 2019 đón 12 nghìn lượt người/ngày, nay chỉ chừng 3 nghìn lượt/ngày và sắp tới còn thấp hơn nữa. Các khách sạn có thể cho lao động tạm thời nghỉ việc nhưng có những dịch vụ vẫn phải nuôi lao động như đội tàu du lịch hơn 500 chiếc với hơn 5.000 lao động, họ vẫn phải trực, phải trả lương trong khi không hoạt động. Đây là những khó khăn mà du lịch Quảng Ninh đang rất cần một cuộc “giải cứu”.

Tạo điểm đến an toàn

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, du lịch Quảng Ninh xác định biện pháp đối phó là phải tìm kiếm thị trường khách mới để bù cho lượng khách bị sụt giảm; tăng cường kích cầu, thu hút, quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường không có dịch. Đồng thời cũng xác định đây là thời điểm cần thiết để tái cơ cấu ngành Du lịch; đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất các cơ sở lưu trú...

 Bãi Cháy vắng vẻ, hàng quán đóng cửa trong những ngày dịch bệnh

Bãi Cháy vắng vẻ, hàng quán đóng cửa trong những ngày dịch bệnh

“Đặc biệt, các đơn vị phải chuyển tải mạnh mẽ, hiệu quả thông điệp về Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới du khách trong và ngoài nước. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải phòng, chống dịch bệnh tốt và thay đổi cách tiếp cận tìm kiếm thị trường, quản trị kinh doanh để thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Còn trong thời điểm hiện nay, vẫn tổ chức hoạt động du lịch bình thường đối với những du khách tới từ vùng không có dịch, trong điều kiện áp dụng quy trình kiểm soát chặt chẽ về y tế”, ông Ký nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho rằng, chỉ đạo của Bí thư tỉnh Quảng Ninh về việc lan toả thông điệp an toàn là rất phù hợp, bởi cho tới thời điểm hiện tại tỉnh vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca dương tính nào với SARS – CoV - 2. “Thông điệp an toàn cũng là cách để xua tan tâm lý ngại đi du lịch của du khách trong thời điểm này”, bà Bảo nói.

Cũng theo bà Bảo, cần xây dựng thêm các sản phẩm mới, cao cấp trên vịnh Hạ Long, tạo thêm các tuyến xe bus tiện ích kết nối các sản phẩm du lịch, sân bay với các điểm du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh, tới các điểm du lịch tâm linh.

Hiện tại tỉnh Quảng Ninh đang thúc đẩy hoàn thiện các hạ tầng du lịch như Dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả, Suối nước nóng do Tập đoàn Sungroup thực hiện.

Việc sớm hoàn thành các dự án này sẽ tạo thêm điểm nhấn, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách đến với Quảng Ninh khi dịch bệnh được đẩy lùi. Đồng thời, tỉnh cũng hướng tới thu hút nguồn khách ở miền Nam, khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên... Đây là dòng khách nội địa chiếm tỷ lệ khá cao tại Quảng Ninh trong những năm gần đây.

Lê Cường