[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 3) Doanh nghiệp tư nhân nói gì?

Hương Giang - Duy Long 01/03/2020 00:30

Nghị quyết số 55-NQ/TW, không những bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, mà còn hạn chế được tình trạng đầu cơ và đảm bảo tính minh bạch môi trường đầu tư tại các địa phương.

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia…

Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, Nghị quyết số 55-NQ/TW ra đời sẽ hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển.

Đặc biệt, Nghi quyết 55 rất chú trọng tới việc phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời.

Đó là việc tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.

Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, việc hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế được cập khá rõ. Qua đó, sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu…

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ra đời sẽ hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; phân ngành năng lượng phát triển bền vững

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ra đời sẽ hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; phân ngành năng lượng phát triển bền vững

Cũng theo ông Thịnh, việc đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Qua đó, chúng ta có thể phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

… và hạn chế tình trạng đầu cơ, giữ chỗ

Ông Supa Waisayarat - Tổng giám đốc Công ty năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation đánh giá rất cao khi Việt Nam đã thực sự quan tâm tới vấn đề phát triển năng lượng tái tạo.

"Chúng tôi đã xem và cho rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã tập trung nhấn mạnh về cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hoá trong hoạt động; chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hạ tầng năng lượng quốc gia" - ông Supa Waisayarat nói.

Ông SUPA WAISAYARAT – Tổng giám đốc Công ty năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation

Ông Supa Waisayarat – Tổng giám đốc Công ty năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation: Nghị quyết số 55-NQ/TW, sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ và đảm bảo tính minh bạch môi trường đầu tư tại các địa phương.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các quy định về đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn có thể hạn chế được tình trạng “đầu cơ, giữ chỗ”.

Hiện tình trạng này, khá phổ biến ở một số địa phương và  Bến Tre là một minh chứng.

Bến Tre là một địa phương có nhiệu dự án điện gió, và hiện đã được cấp chủ trương nhưng không triển khai, chờ thời cơ bán dự án. Điều này khiến cho cơ hội của các doanh nghiệp khác muốn đầu tư nhưng lại không thể và từ yếu tố này  khiến cho môi trường tại địa phương bị hạn chế và kém phần minh bạch.

"Vì vậy, để giải quyết vấn đề này chính quyền các địa phương và ngành năng lượng cần phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt là các địa phương phải tập trung, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để doanh nghiệp có thể triển khai các dự án một cách sớm nhất và để hiệu quả" - ông Ông Supa Waisayarat  kiến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Tá Tín – Chủ tịch Tập đoàn HBRE chia sẻ, "là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện gió, chúng tôi đánh giá rất cao khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh:  “Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.”.

"Việc ban hành nghị quyết định hướng của Bộ Chính trị cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm chú trọng việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia". - ông Hồ Tá Tín nhìn nhận.

Có thể bạn quan tâm

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) "Đòn bẩy" phát triển năng lượng quốc gia

    11:14, 27/02/2020

  • Việt Nam cần 10 tỷ USD cho năng lượng tái tạo

    10:19, 27/02/2020

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD

    04:01, 26/02/2020

  • Cơ hội mới cho năng lượng tái tạo

    11:00, 25/02/2020

  • Tập đoàn năng lượng Banpu khởi công Nhà máy điện gió số 3 tại Sóc Trăng

    00:42, 23/02/2020

Chia sẻ trong lĩnh vực năng lương tái tạo, ông Tín cho biết, cho đến nay, Tập đoàn HBRE cùng đối tác đã triển khai đầu tư nhiều dự án điện gió với tổng công suất lên đến 1000MW từ các tỉnh như Đắk Lắk (30MW), Gia Lai (100MW), Phú Yên (200MW), Hà Tĩnh (120MW) và Bà Rịa - Vũng Tàu (GĐ1 500MW).

Trong đó, dự án tại Đắk Lắk đã vận hành phát điện, dự án Gia Lai đã khởi công xây dựng, dự án Phú Yên sẽ khởi công ngay trong quý 2, 3/2020 và dự án Hà Tĩnh sẽ vận hành vào năm 2021.

"Đối với dự án nhà máy điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và cũng là lớn nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi sẽ quyết tâm đầu tư xây dựng đưa vào vận hành đúng kế hoạch đề ra vào năm 2023.

Với quyết tâm đầu tư cao, chúng tôi đã đầu tư hơn 2 triệu USD để mua thiết bị quan trắc gió và hoàn thành lắp đặt trạm đo gió với công nghệ hiện đại nhất hiện nay để phục vụ quan trắc số liệu gió ngay sau khi được Thủ tướng và UBND tỉnh chấp thuận, đồng thời đã mua mới tàu Prestige 520 Fly từ Pháp để phục vụ cho dự án này và tàu cũng đã được bàn giao vào ngày 01/03/2020 vừa qua.

Tập đoàn HBRE rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan có thẩm quyền để dự án được hoàn thành đúng tiến độ đề ra và đúng theo tinh thần Nghị quyết 55” - ông Tín nói.

Với việc sử dụng công nghệ tuabin gió ngoài khơi tiên tiến nhất hiện nay của hãng GE (Mỹ) với công suất trên 12MW/tuabin, sản lượng điện được tạo ra lên đến 2.267.136MWh/năm, nhà máy điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu sẽ đóng góp lượng điện sạch không nhỏ cho hệ thống điện quốc gia nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng ông Tín nói.

Cũng theo ông Tín, theo yêu cầu của Nghị quyết 55 thì, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

"Như vậy, đây là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong quá trình triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, để khai thông nhiệm vụ này thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình tiếp nhận, đánh giá, thẩm định dự án của doanh nghiệp trên cơ sở cấp giấy chứng nhận đầu tư. Do đó, việc giám sát các địa phương khi có dự án năng lượng tái tạo cần có chế tài  rõ ràng, cụ thể để xử lý những trường hợp  “không hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết 55 đã đặt ra" - ông Tín nói.

[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 4) Trung Quốc thực hiện ra sao?

Hương Giang - Duy Long