[COVID-19] Phép thử cho tiến trình tái cơ cấu
Khi đối mặt với khó khăn cũng chính là lúc các ngành sản xuất sẽ tìm kiếm cơ hội mới, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu doanh nghiệp mình theo hướng biến thách thức thành cơ hội và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương ĐỖ THẮNG HẢI đã khẳng định với DĐDN như vậy.
Ông Hải lưu ý các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhắc “phải biết biến nguy thành cơ”, đã đến lúc mọi doanh nghiệp, mọi thành phần, lĩnh vực cần biến những thách thức thành cơ hội, tìm kiếm các giải pháp mang tính đột phá, tái cơ cấu toàn diện để vượt qua thách thức, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
- Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp với DDDN, rất nhiều lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là dệt may. Xin ông cho biết, Bộ Công Thương đã có giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp?
Dệt may là một trong những ngành chịu tác động do dịch COVID-19. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp của ngành có quan hệ thương mại rất lớn với Trung Quốc, trong đó có việc nhập khẩu nhiều vải, sợi và phụ liệu từ nước này nhằm phục vụ cho sản xuất, gia công xuất khẩu.
Dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn đến việc nguồn dự trữ nguyên liệu, phụ liệu dệt may sẽ cạn dần và như vậy sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ngay từ khi dịch bệnh vừa xảy ra, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành để tìm hiểu, đánh giá những tác động cụ thể, mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch hành động về các giải pháp ứng phó với tác động của COVID-19.
Bộ đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào cuộc để tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ liệu dệt may thích hợp, bao gồm cả vải, sợi và các phụ liệu khác nhau.
Bộ cũng làm việc và đã có văn bản kiến nghị với các cơ quan liên quan đề nghị có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, giảm tổn thất cho doanh nghiệp như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi vay, giảm tiền điện, nước, nhiên liệu, giảm chi phí vận chuyển, kho bãi...
- Dịch bệnh khiến hàng hóa thông quan bị chậm, vậy, giải pháp cụ thể nào Bộ Công Thương đã thực hiện để góp phần giải tỏa hàng hóa ách tắc tại cảng, thưa ông?
Dịch COVID-19 gây ra một số xáo trộn trong chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trên biên giới đất liền, hiện nay các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị (Lạng Sơn), Kim Thành (Lào Cai) đã mở cửa hoạt động trở lại.
Bộ Công Thương đã phối hợp cùng UBND các tỉnh biên giới và các Bộ, ngành liên quan triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương, các hệ thống siêu thị kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
- Có ý kiến cho rằng, COVID-19 như một phép thử đối đòi hỏi doanh nghiệp buộc phải thích ứng để vượt qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng khó khăn thách thức cũng luôn song hành cùng cơ hội, đây là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác; qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự quá phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm.
Cụ thể, không chỉ các doanh nghiệp mà tôi cho rằng ngành Công Thương cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng, thị trường; đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý trong cả trước mắt và lâu dài; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh.
- Trân trọng cảm ơn ông!