[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 4) Đánh thức dòng vốn nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc
Ngành năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đã tăng vọt trong thập kỷ qua, từ hầu như không có gì thành một trong những quốc gia có công suất lắp đặt hàng đầu trên thế giới…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin từ những bài trước, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là “chìa khóa” mở ra sự thuận lợi hút nguồn lực tỷ USD từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng...
Các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đều đánh giá cao Nghị quyết này và xem đó là cơ hội để ngành năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trung Quốc – một nước láng giềng của Việt Nam trong những năm qua đã có ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nhảy vọt. Điều gì đã làm nên sự bứt phá đó?
Bước nhảy vọt
Theo Bloomberg NEF thì đầu tư vào năng lượng tái tạo trên trên toàn thế giới tính đến hết năm 2019 đạt tới con số là 282,2 tỷ USD, tăng so với năm 2018 (280,2 tỷ USD). Sự nóng lên của toàn cầu, băng tan ở Bắc Cực, hiệu ứng nhà kính, … những cụm từ này luôn là vấn đề nóng những năm gần đây. Một phần nguyên nhân cho những sự kiện này chính là sự gia tăng khí thải công nghiệp trong một thời gian dài và năng lượng tái tạo là giải pháp cho sự cắt giảm và thay thế khí thải công nghiệp.
Bản thân năng lượng tái tạo đã tránh được khí thải nhà kính làm ấm trái đất của chúng ta, đồng thời cũng cải thiện được chất lượng không khí và sức khỏe của con người. Do vậy, đầu tư vào năng lượng tái tạo là một khoản đầu tư kinh tế cho tương lai.
Chính phủ Trung Quốc ưu tiên và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo vì nó cho phép nước này giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí và nước.
Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đã tăng vọt trong thập kỷ qua, từ hầu như không có gì thành một trong những quốc gia có công suất lắp đặt hàng đầu trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ này phần lớn đến từ chính sách trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc đã triển khai để khuyến khích đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đặt ra mục tiêu xây dựng một hệ thống năng lượng sạch, ít carbon, an toàn và hiệu quả và năm 2020 sẽ là năm cuối cùng trong kế hoạch này. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã có một số tiến bộ đáng kể trong việc nhân rộng năng lượng tái tạo cũng như giảm chi phí năng lượng tái tạo và kết quả là đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn.
Có thể bạn quan tâm
[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 3) Doanh nghiệp tư nhân nói gì?
00:30, 01/03/2020
[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) "Đòn bẩy" phát triển năng lượng quốc gia
11:14, 27/02/2020
[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD
04:01, 26/02/2020
Hàng loạt chính sách được đưa ra
Trong năm 2018 và 2019, một số biện pháp chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo. Đối với các dự án về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, phương thức đấu thầu sẽ dần thay thế cho phương thức truyền thống “feed-in tariffs” (tức là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn nguyên liệu tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện).
Phương thức đấu thầu được hiểu là chọn các dự án tiềm năng có quy mô tương đối lớn (100 MW), lấy giá của điện và mức độ công suất là tiêu chí chính và chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Trước đó, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã hoàn thành công việc đấu thầu và phê duyệt cho hai dự án điện từ năng lượng gió với công suất 100 MW mỗi dự án, một ở Rudong, Giang Tô và một ở dự án Huilan, Quảng Đông. Việc đấu thầu đã thu hút tổng cộng chín công ty, ba trong số đó là nước ngoài và một trong số đó là tư nhân. Sự thành công của phương pháp đã giúp làm giảm giá điện tại thời điểm đó.
Bên cạnh đó, NEA (Cơ quan năng lượng quốc gia) và NDRC (Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia) của Trung Quốc khuyến khích sự triển khai các dự án năng lượng gió và mặt trời mà không có sự trợ cấp từ chính phủ. Những dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt sau khi loại bỏ đi những rào cản và không có một giới hạn năng lực nào cho dự án.
Một chính sách nhằm giúp phát triển năng lượng tái tạo đó là có mục tiêu công suất rõ ràng. Hiện một số dự án vẫn phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ. Nhưng điều quan trọng là bổ sung hàng năm mục tiêu công suất sản xuất được, để các đơn vị cung cấp thiết bị và khả năng sản xuất duy trì được sự cân bằng trong khi tổng số tiền trợ cấp có thể bị giới hạn ở mức giá phải chăng. Sự triển khai của năng lượng điện tái tạo được thực hiện trong 3 lần của kế hoạch 5 năm:
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 – giai đoạn mở rộng quy mô: mức năng lượng gió đạt mức trung bình là 53 GW và năng lượng mặt trời đạt mức trung bình là 58 GW.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 – giai đoạn thiết lập: mức công suất năng lượng gió đạt mức trung bình hàng năm là 127 GW và năng lượng mặt trời là 116 GW.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 16 – giai đoạn cách mạng: cả mức công suất năng lượng gió và mặt trời đều đạt mức trung bình hoặc hơn 150 GW mỗi năm.
Song song với việc tăng công suất thì Trung Quốc cho rằng, việc giảm hoặc lược bỏ bớt một số chi phí không liên quan tới vấn đề kỹ thuật như chi phí pháp lý, chi phí quảng cáo và tiếp thị, chi phí sử dụng đất, … sẽ trở nên quan trọng hơn khi mà năng lượng tái tạo tham gia vào thị trường cung ứng điện và có được mức giá hợp lý. Chính bởi thế, có một số biện pháp đã được áp dụng nhằm giảm gánh nặng chi phí này như: xem xét lại mức phí tính thuế tài nguyên hoặc thuế sử dụng đất trong việc sử dụng cho việc phát triển năng lượng tái tạo,…
Ngoài ra, NDRC và NEA đã khởi động một mô hình kinh doanh mới với mục tiêu hướng đến các khoản đầu tư mới vào pin mặt trời trên các mạng phân phối địa phương. Theo mô hình này, thay vì nhận trợ cấp hoàn toàn từ chính phủ, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo được tài trợ và thực hiện bởi các bên thứ ba hoặc trong một số trường hợp là các công ty phân phối thuộc sở hữu tư nhân.
Nhưng để kiểm soát tốt tình hình tài chính đối với các sỡ hữu tư nhân, thì có một giải pháp được đưa ra đó là phải áp dụng cái gọi là chuẩn mực về doanh thu. Nghĩa là, doanh thu được phép xác định trong khoảng thời gian nhiều năm dựa trên chi phí được phép và lợi nhuận được phép trên tài sản được phê duyệt.
Cũng theo kế hoạch 5 năm (2016-2020) lần thứ 13 cho năng lượng tái tạo, để hỗ trợ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thì Bộ tài chính Trung Quốc đã thành lập một quỹ đặc biệt để phát triển năng lượng tái tạo theo Luật Năng lượng tái tạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các quỹ đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc có thể không khuyến khích vốn tư nhân theo cách trực tiếp, nhưng họ đã thực sự truyền cảm hứng cho sự quan tâm của vốn tư nhân để tập trung vào các khu vực được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hai cơ chế như một biện pháp đảm bảo cho các nguồn đầu tư tư nhân tiếp cận đến ngành công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, một là sẽ mua lại toàn bộ đối với năng lượng tái tạo; hai là hệ thống chứng chỉ xanh có thể giao dịch của thương mại.
Cuối cùng, phát triển năng lượng tái tạo ở Trung Quốc không thể bỏ qua thuế quan và các chính sách thuế ưu đãi do Chính phủ Trung Quốc thực hiện. Các khoản trợ cấp tài chính chủ yếu đến từ Quỹ phát triển tái tạo năng lượng (RDF) sẽ được ngành tài chính đưa ra để bù đắp cho sự chênh lệch về giá. Đây là sự thiếu hụt do giá vượt quá mức tiêu chuẩn từ nguồn điện do đốt than.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng 13% mỗi năm kể từ năm 2000. Để đạt được mục tiêu vào năm 2030, chúng ta sẽ cần khoảng 10 tỷ đô la đầu tư mỗi năm. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã dựa vào các nguồn như nhiệt điện và thủy điện để sản xuất năng lượng nhưng nguồn năng lượng tái tạo đang là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Để tạo điều kiện cho phát triển năng lượng tái tạo, chính phủ Việt Nam đã cấp các ưu đãi giảm thuế cho các dự án thuộc năng lượng tái tạo.
ới Việt Nam, sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tăng lên. Năm 2019, năng lượng tái tạo đã trở thành lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư cổ phần tư nhân tại Việt Nam đứng thứ ba, sau Fintech và ngành giáo dục.
Không chỉ thu hút đầu tư tư nhân trong nước, những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã và đang thu hút sự đầu tư của nước ngoài. Đơn cử như gần đây nhất, AboitizPower đã tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam với việc mua lại Mekong Wind với giá khoảng 46 triệu đô la. Tương tự, các khoản đầu tư khác như đầu tư của Dragon Capital vào Pacifico Energy, khoản đầu tư 48 triệu USD của Việt Nam - đầu tư vào nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1 và đầu tư của IFC vào Phong Điền, trang trại năng lượng mặt trời kết nối lưới tư nhân đầu tiên...
Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và xã hội hoá để phát triển các nguồn năng lượng ở Việt Nam rất cần những quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu, để từ đó có thể định hình phát triển đất nước.