Đằng sau gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng là gì?
"Cả hai gói hỗ trợ này đều không phải tiền mới được bơm vào nền kinh tế, phải khẳng định điều đó", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nói với Phóng viên.
- Chính phủ đã chính thức thông báo về hai gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng được sử dụng để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông có bình luận gì về 2 gói này?
Với hai gói này, Chính phủ đã khẳng định đây không phải là gói kích thích kinh tế. Chúng ta có thể hiểu rằng đây không phải là tiền mới được bơm vào nền kinh tế, hoặc có thì sẽ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Trong bối cảnh hiện tại, cách thức thực hiện như vậy là hợp lý. Gói hỗ trợ là hành động kịp thời nhằm hỗ trợ và chia sẻ cùng doanh nghiệp, song cũng thể hiện thái độ rất thận trọng của Chính phủ trong điều hành vĩ mô.
Chính phủ hoàn toàn hiểu được rủi ro nếu như đưa một lượng tiền mới lớn như vậy vào nền kinh tế qua hình thức gói kích thích. Chưa nói đến những tác động lập tức đến cung tiền hoặc tới cân đối ngân sách, những thông tin về các gói kích thích như vậy sẽ tác động rất lớn đối với tâm lý của thị trường, nhà đầu tư, và tới những dự báo về cân đối vĩ mô về nền kinh tế Việt Nam.
Về bản chất, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng sẽ là tổng hợp tổng dư nợ hiện tại mà các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dưới các hình thức như tái cấu trúc lại kỳ hạn khoản vay, giảm lãi, phí. 250.000 tỷ đồng này không phải là tiền mới được bơm vào nền kinh tế dưới các hình thức là khoản vay mới hay khoản tín dụng mới. Cần khẳng định điều đó. Nó không phải là gói kích thích kinh tế và cũng không phải là hình thức mở rộng tiền tệ.
Một phần của gói này sẽ là những khoản vay mới cũng sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn theo chủ trương này. Tuy nhiên, chắc hẳn những khoản vay mới này vẫn sẽ nằm trong sự kiểm soát về hạn mức tăng tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Năng lực hấp thụ vốn mới của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và nguy cơ lạm phát là những lý lẽ củng cố lập luận rằng 250.000 tỷ này không phải là lượng tiền mới được bơm vào nền kinh tế.
Đây là sự chia sẻ giữa hai bên ngân hàng và doanh nghiệp. Nó sẽ không phải là hình thức giống như gói kích thích kinh tế trước đây khi ngân sách được sử dụng ngân sách để trợ giúp lãi suất.
Với hình thức này, sẽ không một đồng nào từ ngân sách hay từ phía NHNN được bơm ra. Nó vẫn là những cái nằm trong cung tiền hiện tại. Vì vậy thị trường có thể tin rằng gói hỗ trợ này sẽ không gây áp lực mạng lên lạm phát trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường cũng cần quan sát về độ bền của các ngân hàng thương mại, và về quy mô của các khoản vay được tái cấu trúc, về sự suy giảm về lợi nhuận của các ngân hàng, về rủi ro của sự gia tăng nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng trong trung hạn.
Chi tiết của gói hỗ trợ 30.000 tỷ chưa được công bố, nhưng cũng sẽ không phải là tiền được bơm ra từ NSNN.
Nó có thể là các khoản chưa thu hoặc giảm thu của NSNN, ví dụ như chậm, hoãn nộp thuế như VAT, TNDN, BHXH, hoặc giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong trường hợp dịch sớm được khống chế và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các khoản chậm nộp này sẽ được hoàn trả vào những quý cuối năm, và do vậy có thể sẽ không ảnh hưởng lớn tới việc cân đối ngân sách. Đây là một biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, song không gây áp lực quá lớn đối với ngân sách.
- Để doanh nghiệp được tiếp cận ngay với các gói hỗ trợ này, điểm mấu chốt sẽ là gì?
Việc cho phép chậm, trì hoãn nộp thuế, các khoản BHXH, BHYT, hoặc giảm một loạt các loại phí, lệ phí là có thể được thực hiện ngay, vì điều này nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với việc giảm lãi suất, phí, tái cấu trúc lại các khoản vay của doanh nghiệp của các NHTM thì sẽ còn phải phụ thuộc vào thị trường mà chính phủ không thể can thiệp quá sâu. Giảm lãi suất, phí hoặc cho phép tái cấu trúc khoản vay sẽ phụ thuộc vào quyết định và triển khai của các ngân hàng thương mại, vốn cũng là các doanh nghiệp và cũng phải tính toán tới các rủi ro liên quan và an toàn trong quá trình hoạt động và các quy định về tín dụng, về an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Chắc chắn trong bối cảnh hiện tại, các NHTM đều có động cơ trong việc giảm lãi suất, phí và tái cấu trúc lại khoản vay cho các doanh nghiệp vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế và của chính các ngân hàng.
Nhưng các ngân hàng cũng sẽ phải cân đối về khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán, các cân đối về tài chính của mình, về những rủi ro đi kèm với việc tái cấu trúc khoản vay, và về sức bền của mình trong việc tham gia các gói hỗ trợ này trước khi đưa ra quyết định về quy mô tham gia gói hỗ trợ và mức độ tham gia hỗ trợ. Như vậy, đối với gói hỗ trợ về tín dụng này, điểm mấu chốt sẽ phụ thuộc vào chính các tính toán và quyết định của các ngân hàng thương mại.
- Như vậy có thể hiểu là gói 30.000 tỷ đồng sẽ được tiếp cận nhanh chóng hơn gói 250.000 tỷ đồng?
Một phần của gói 30.000 tỷ đồng sẽ có thể được tiếp cận nhanh chóng thông qua các quyết định điều hành của của Chính phủ.
Một phần của gói tín dụng 250.000 tỷ đồng sẽ mang lại lợi ích ngay cho nhiều doanh nghiệp do một số ngân hàng sẽ triển khai thực hiện ngay vì họ đã có những phân tích sát sao về tình hình của nền kinh tế, về năng lực của mình và đã có chuẩn bị sớm về các kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng không phải tất cả các ngân hàng thương mại đã đều đã ở vị trí sẵn sàng. Vì vậy sẽ còn có nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải chờ đợi trong nhiều tuần sắp tới.
Cảm ơn ông!