Kịch bản mới cho tăng trưởng
Từ việc dự báo tăng trưởng theo chiều hướng tốt đẹp, đến nay, dù mới chỉ là ước đoán, thì chúng ta cũng phải chấp nhận một sự thật rằng: năm 2020 sẽ “không hơn năm 2019 về mọi mặt được”.
Kịch bản tăng trưởng 2020 lần thứ 2 được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ cách kịch bản đầu tiên 10 ngày cũng đã phải hạ thấp dự báo.
Ở báo cáo ngày 4/2, thay vì tăng trưởng 6,29% theo kịch bản 1 và 6,09% theo kịch bản 2, thì đến báo cáo ngày 13/2 đã phải hạ thấp xuống thành 6,27% theo kịch bản 1 và 5,96% theo kịch bản 2.
Dẫu cho Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm “mục tiêu kép”, tức là vừa lo phòng, chống dịch vừa lo phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thì việc không hoàn thành mục tiêu mà cả hệ thống chính trị đã đặt ra là hiện hữu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng vẫn ở mức khá thấp trong khi lực cầu có xu hướng suy yếu nên rủi ro lạm phát hiện tại là không cao. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau. Hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều. Dẫn tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách. |
Bảo đảm tăng trưởng
Đương nhiên, Chính phủ và Thủ tướng chưa bao giờ sai khi yêu cầu phải bảo đảm phát triển kinh tế. Trong kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ được báo cáo, có những giải pháp khá tổng thể để thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là đề nghị tháo gỡ thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục và điều kiện kinh doanh, là áp dụng Chính phủ điện tử, là tháo gỡ khó khăn trong đầu tư và đầu tư công...
Thậm chí, những dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được nhắc đến và đề nghị tháo gỡ hầu hết các khó khăn nhằm triển khai để tạo lan tỏa, đà tăng trưởng trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Điều này là rất hợp lý là bởi vì thực sự từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, những dự án, công trình lớn, có tác động lan tỏa, tạo đà tăng trưởng dường như rất ít được khởi công. Lý do thì nhiều, nhưng nguyên nhân từ những “rối rắm” quy định pháp luật là có thật.
Đành rằng chúng ta đã thu được “những kết quả quan trọng bước đầu” trong phòng chống dịch COVID-19, thì đành rằng dịch còn “tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường”… như Chỉ thị 11 mới đây của Thủ tướng nêu.
Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Nhưng rõ ràng cần phải thừa nhận các mục tiêu chắc chắn không đạt được nếu không có những biện pháp căn cơ, phá vỡ những khó khăn, ràng buộc trái quy luật kinh tế.
Chỉ thị 11 thừa nhận rằng: Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Có lẽ đây là điều quan trọng nhất. Đương nhiên, bảo đảm sức khỏe của nhân dân trong lúc này là điều tối quan trọng và nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội nếu thực hiện được sẽ bảo đảm kinh tế không suy thoái và người dân vừa có sức khỏe vừa có cuộc sống tốt.
Giải pháp và thực thi
Hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách về thuế, tín dụng là trước mắt, nhưng về lâu dài thì phải thừa nhận những bất cập, hạn chế của cả nền kinh tế nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực doanh nghiệp nói riêng.
Chỉ thị 11 của Thủ tướng đã đề ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ cho từng bộ. Các giải pháp tựu trung lại là: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Tập trung xử lý vướng mắc về lao động…
Đọc qua các giải pháp này thì có thể thấy ngay nhiều giải pháp đã được nhắc đến từ đầu nhiệm kỳ. Nhưng chắc vì nhiều lý do, đến nay các giải pháp ấy vẫn được nhắc lại và trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép” lần này, các giải pháp ấy lại được coi là cần thiết và có tính cấp bách. Và cũng thật may, ít nhất cho đến giờ này thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có những bước đi đầu tiên thực hiện các giải pháp ấy. Điều quan trọng hơn, Chỉ thị 11 của Thủ tướng là một trong những biểu hiện của một biện pháp “chính trị - kinh tế” mạnh mẽ, cần được thực thi nghiêm.