Doanh nghiệp du lịch "ngóng" chính sách hỗ trợ
Trước những khó khăn do dịch COVID-19, ngành du lịch khẩn cấp tổng hợp, kiến nghị nhóm giải pháp cấp bách trình Chính phủ nhằm kịp thời cứu doanh nghiệp...
Dịch COVID - 19, khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị giảm sút nghiêm trọng ở tất cả các lĩnh vực, khoảng từ 50% đến 60%, doanh thu so với cùng kỳ, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải và logistic...
Khó khăn lớn
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục du lịch cho biết đến nay có tới hàng trăm doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động vì không thể cầm chừng. Tính đến cuối tháng 2 số lượng giải thể cũng lên tới vài chục doanh nghiệp.
Đây là bức tranh buồn của ngành du lịch Việt Nam và cũng là thực trạng của ngành du lịch thế giới, điều này hoàn toàn dễ hiểu khi WHO ra thông báo công bố khẩn cấp về đại dịch toàn cầu. Ngay thời điểm này, ngành du lịch cũng như bao ngành khác đang chung tay cùng cả nước thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 như tạm dừng tổ chức tour, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và hướng dẫn du khách còn hoạt động trong nước, cách li, phòng tránh dịch.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trước tình hình dịch bệnh cam go hiện nay thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần là đóng cửa hoàn toàn. Thậm chí, Hội chợ du lịch thường niên (Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM), theo dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4 năm nay phải tạm lùi lịch tổ chức và hiện tại chưa có ngày cụ thể.
"Đây là điều lo ngại không kém đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm nay. Bởi hơn 500 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch đến từ 45 tỉnh và 85% gian hàng đã được đăng ký từ 30 quốc gia/ vùng lãnh thổ tham dự VITM tại Hà Nội 2020 đã chuẩn bị sản phẩm lên kế hoạch tham dự, nhưng đến nay phải tạm hoãn, trong khi đó kinh phí của các doanh nghiệp, cơ quan trên đã đặt cọc từ trước... " - ông Thọ nói.
Trước đó, phía Tổng cục du lịch đã trình Bộ Văn hoá và Thể thao Du lịch xin ý kiến Thủ tướng, đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh.
Cụ thể: miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong quý I, II,III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch, giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh du lịch cá thể và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV năm 2020 và quý I năm 2021; giảm chi phí về môi trường.
Cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021.
Tiếp đến là giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp du lịch được phục hồi.
Về giá điện sẽ áp dụng mức tính theo đơn giá điện sản xuất thay cho mức giá dịch vụ đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch như hiện nay.
Tuy nhiên, các nhóm giải pháp này đang được Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch tiếp tục tổng hợp trong thời gian sớm nhất để trình Thủ tướng xem xét và quyết định.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Khách du lịch đến Hà Nội giảm 70%
16:12, 12/03/2020
Bài học cho mô hình kinh tế đêm của Việt Nam từ các “huyền thoại du lịch” thế giới
14:40, 12/03/2020
[COVID-19] Ca nhiễm thứ 39 là hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội
19:31, 11/03/2020
[COVID-19] Du lịch an toàn, điều nhất định phải biết trong thời điểm này
10:04, 11/03/2020
Du lịch có thực sự hồi phục?
11:00, 09/03/2020
Để du lịch trở thành mũi nhọn của kinh tế biển
04:00, 06/03/2020
Cần giải pháp kịp thời
Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Thọ cho biết giữa "tâm bão" đại dịch ngành du lịch vẫn nên "cười bằng mắt", bình tĩnh để tìm lối thoát tích cực. Tranh thủ giai đoạn trầm lắng, rảnh rỗi hiện nay để cải tổ mạnh mẽ, bổ sung những lỗ hổng còn tồn tại của ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thêm các sản phẩm mới chất lượng và bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp trong du lịch.
"Vì bản thân ngành du lịch luôn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo. Nếu chuẩn bị tốt giai đoạn này chúng ta vẫn có cơ hội để phục hồi và tăng trưởng tốt cả về chất và lượng" - ông nói.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đang lên kế hoạch xúc tiến hội nghị trực tuyến, tổng hợp ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp để làm tờ trình gửi Tổng cục du lịch xin hỗ trợ từ Chính phủ sớm có phương án kịp thời cứu doanh nghiệp trước thềm giải thể.
Chẳng hạn như đối với những doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành quốc tế, thực hiện điều kiện kinh doanh của Luật kinh doanh Du lịch phải ký quỹ 500.000.000 đồng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi với khách du lịch. Nhưng đến nay, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có văn bản gửi Tổng cục Du lịch giải quyết cho doanh nghiệp có đủ điều kiện được giải toả sớm tiền ký quỹ ngân hàng trong thời gian sớm nhất có thể, thay vì thời hạn từ 60- 90 ngày theo quy định hiện hành như hiện nay.
Điều này không chỉ là chính sách thiết thực mà nó còn là giải pháp tối ưu nhất kịp thời cứu doanh nghiệp trước thềm giải thể...