[COVID-19] Tìm giải pháp hóa giải hệ lụy thất nghiệp và bất ổn xã hội
Chuyên gia Kinh tế, nhà đầu tư độc lập Trần Sĩ Chương chia sẻ: Từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, mọi tập trung của các quốc gia đều đổ dồn vào y tế nhưng hệ lụy của dịch còn lớn hơn như thế...
- Theo ông bản chất thực sự và hệ lụy của đại dịch Covid-19 là gì?
Ông Trần Sĩ Chương: Mình vẫn thường hay nói là “phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, nhưng tình huống xấu nhất là gì vẫn chưa được đề cập. Thực tế thì mỗi doanh nghiệp sẽ có tình huống xấu nhất riêng chứ không có tình huống xấu chung cho tất cả. Nhưng trước tiên cần định rõ bản chất của việc này là gì thì sau đó mới thấy được hệ lụy của nó.
Sau hơn hai tháng dịch Covid-19 xảy ra, bây giờ rõ ràng chúng ta đã thấy được: Bản chất sự tác động của dịch Covid-19 đến Việt Nam và thế giới không chỉ đơn thuần về mặt y tế như nhiều người lầm tưởng, mà chính xác là sẽ tác động mạnh vào kinh tế - xã hội. Khách quan nhìn nhận thì số người tử vong vì con virus này sẽ “ít” hơn so với khả năng “giết” doanh nghiệp hàng loạt và gây ra những hỗn loạn xã hội trong thời gian tới. Trước một kẻ thù chưa định dạng được, dĩ nhiên chúng ta khó tránh khỏi tâm lý hoảng loạn.
-Vậy hệ lụy lớn nhất của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã xuất hiện chưa và nếu có là những dấu hiệu nào, thưa ông?
Việt Nam là quốc gia chưa bị ảnh hưởng nặng nề về dịch này như các nước khác, vậy mà đã có hơn 30% doanh nghiệp lớn và nhỏ “chết lâm sàng”.
Một khảo sát cho thấy quá nửa doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... chỉ một số rất nhỏ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: thực phẩm, dược phẩm, hoặc ngành nghề đặc thù làm ăn được nhờ dịch lần này.
Nói chung, tất cả doanh nghiệp đều cố gắng cầm cự, nhưng số đang chết lâm sàng thì trong những ngày tới đây buộc phải đứng trước quyết định sa thải người lao động. Một trong những cái khó của doanh nghiệp Trung ương là bị ràng buộc về luật lao động: Doanh nghiệp muốn sa thải người thì phải trả ít nhất 3 tháng lương.
Đang lúc nguy nan mà còn phải chi khoản tiền không nhỏ như vậy sẽ vô cùng điêu đứng, mà giữ người thì chết cả chùm, thực sự khiến cho doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”.
- Ông có thể giải thích rõ hơn tình huống khó khăn này của doanh nghiệp?
Xin kể câu chuyện thực tế của hai công ty tôi được dịp tiếp cận (xin được phép giấu tên). Hai công ty này đang làm ăn rất tốt, mỗi năm tăng trưởng 20 - 25%, lợi nhuận từ 15 - 20% trên doanh thu. Cổ đông đang háo hức chờ đến tháng 4 tới đây họp đại hội và nhận cổ tức được tiên liệu sẽ rất khá. Thế mà chỉ hôm qua thôi Ban lãnh đạo đã phải ngồi lại họp khẩn cấp, rằng thay vì được nhận cổ tức hấp dẫn thì các cổ đông cần bỏ thêm vào gần 80 tỷ đồng chỉ để công ty tồn tại. Và dự kiến là nếu dịch tiếp tục kéo dài chừng 3 - 6 tháng nữa sẽ buộc nghĩ tới tình huống chỉ giữ lại bộ máy tối thiểu đợi khi dịch qua sẽ tổ chức lại thôi. Đó là hai công ty thuộc dạng hàng đầu được tổ chức rất tinh gọn, chuyên nghiệp, nội lực lớn mà còn điêu đứng như vậy. Bạn thấy có kinh hoàng không? Huống chi bao nhiêu công ty khác tổ chức không được như công ty này. Rồi những người buôn gánh bán bưng, vốn chỉ trông chờ vào thu nhập để sống từng ngày mộ, thì họ còn bị ảnh hưởng bởi kinh tế đến như thế nào nữa?
Doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp sẽ dẫn tới sự bất ổn xã hội. Con người ta như nhau, dù giàu hay nghèo, khi không còn thu nhập, con cái ở nhà nheo nhóc thì dễ dẫn đến bước đường cùng, tác động cực kỳ xấu vào đời sống xã hội, có khi còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh vì số người bị tổn thất, bị thiệt hại lớn gấp mấy lần dịch bệnh này.
- Vậy theo ông nên có quan điểm như thế nào để không "duy ý chí"? Và xã hội nên ứng phó với những điều đó như thế nào?
Bây giờ thật sự mọi tập trung đều đang dồn vào y tế cả, từ trên báo chí cho đến những câu chuyện giữa các cuộc gặp mặt đều là: bao nhiêu người nhiễm, nhiễm ở đâu, đã lây lan cho bao nhiêu người… mà tập trung chưa đủ về mặt kinh tế xã hội, con người.
Tôi muốn đánh động rằng, gốc rễ của đại dịch Covid-19 là vấn đề khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên nếu không kịp nhìn ra mặt trận gây thiệt hại nhiều hơn vẫn là kinh tế xã hội thì trong vài tháng tới sẽ có hàng triệu người thất nghiệp khi hằng hà sa số doanh nghiệp chết âm thầm lặng lẽ.
Rủi ro lớn nhất lúc này chính là sự bất ổn xã hội. Mặc dù có nguồn lực giới hạn nhưng từ bây giờ Nhà nước phải thật sự quan tâm việc ổn định kinh tế và trật tự xã hội, nếu không sẽ không còn kịp nữa.
- Xin cám ơn ông đã dành thời gian trao đổi!
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 giai đoạn 2: Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất!
09:38, 12/03/2020
Tạm dừng đóng BHXH đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
12:35, 16/03/2020
[COVID-19] Cẩn thận, nhưng đừng hoảng loạn
11:15, 16/03/2020
[COVID-19] Phó Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra tình trạng “trong đánh ra, ngoài đánh vào”
11:00, 16/03/2020